Để pháp luật đi vào cuộc sống hiệu quả nhất

(PLO) - Mỗi khi người nghèo, người “yếu thế” gặp rắc rối, vướng mắc pháp luật, họ đã có người trợ giúp pháp lý (TGPL) cùng đồng hành, nương tựa. Nhưng, chính sách này chỉ thực sự khởi sắc khi Luật TGPL đi vào cuộc sống sau 8 năm triển khai, tổ chức thi hành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Trợ giúp pháp lý ở Kiên Giang
Trợ giúp pháp lý ở Kiên Giang
Luật TGPL có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, qua 8 năm triển khai thi hành, các tổ chức TGPL ở Kiên Giang đã thực hiện được 36.174 vụ, tăng gấp 3 lần thời kỳ trước đó. Các vụ việc phần lớn đều do Trung tâm TGPL Nhà nước thực hiện với 35.754 vụ, Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia) thực hiện 420 vụ cho 34.452 người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, trẻ em… Trung tâm TGPL đã thực hiện được 2.636 vụ bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
8 năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lưu động về 605 lượt xã, phường, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã nghèo với 27.437 vụ việc, giúp cho 26.785 đối tượng hiểu và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật. 
Các hoạt động TGPL khác cũng được đẩy mạnh như kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho người dân; tham gia hoà giải, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật với chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. 
Đánh giá về kết quả 8 năm triển khai thi hành Luật TGPL, báo cáo tổng kết của UBND tỉnh Kiên Giang nhận xét: “Đối với xã hội, hoạt động TGPL là hình thức đưa pháp luật đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất, góp phần vào mục tiêu “Xoá đói giảm nghèo”, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, thực hiện công bằng xã hội...TGPL đã góp phần ổn định tình hình chính trị, củng cố niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước; góp phần phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. 

Đọc thêm