1. Tôi là Thành Thứa, một thằng quê Lương Tài, một tù nhân chấp hành án phạt 15 năm. Trong cái buồng giam chật chội, vài thằng như tôi quanh quẩn nhìn nhau. Đa số chúng nó đều bị bắt vì ma túy. Nằm trên cái giường chưa đầy 2 m, tôi thầm nghĩ về những ngày tháng làm thằng đại ca được 200 đàn em cung phụng. Lúc ấy, tôi như một ông hoàng, có quyền sinh quyền sát, bất cứ thằng nào dám đối đầu với thằng Thành này. Thế rồi, tôi đã tìm đến ma túy, thuốc phiện - cái thứ “phù dung” cho chúng tôi cảm giác bồng bềnh thăng hoa. Nhưng, lưới trời lồng lộng, tôi bị bắt khi đang buôn bán và sử dụng ma túy. Cái án phạt 15 năm tù treo trên đầu, tôi bắt đầu những ngày tháng tại trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên).
Nằm nghiêng người nhìn ra ô cửa sổ, tôi thèm thuốc, thèm anh em, thèm cái mùi vàng khu A - Quảng Nam. Từ ngày vào đây, tôi tách biệt với chúng nó – những đứa mà thằng Thành này không cùng đẳng cấp.
- Thằng kia, dậy quét buồng, hôm nay đến lượt mày!
- Mày sai tao?
Một cú đấm vào mặt thằng cu bặm trợm vừa ra mặt. Chưa kịp định thần, nó tương tôi một quả cay mắt. Đầu hơi choáng, tôi lờ mờ thấy đôi mắt đỏ lửa của nó lao vào, rồi 3,4 thằng khác quây tôi như bắt mồi. Tôi thua trận này! Ở trại giam, tối nào cũng thèm thuốc. Cơn nghiện dày vò tôi như con ma đói. Đã vào trại được một tuần, 4 trận đánh nhau làm người tôi dã đòn. Mấy thằng tù mới rủ tôi trốn trại. Tôi trốn! Đêm hôm ấy, tôi men theo bìa vườn sát đường ra bờ sông. Mọi thứ im lặng đến hoàn hảo. Nhưng, tôi đã bị phát hiện. Trốn trại bất thành, tôi trở về và nhận hình phạt kỷ luật. Sau vài lần thất bại, tôi chán trốn, nghĩ thầm kiểu gì cũng chôn chân nơi này, thôi thì chấp nhận.
2. Những ngày giáp tết nguyên đán, người nhà tù nhân ở đây lại lên thăm đông hơn. Tôi thấy họ qua song sắt. Những ánh mặt vừa hạnh phúc vừa đau đớn nhìn chúng tôi. Tôi mất bố mẹ từ nhỏ, sống lang bạt nên thèm hơi ấm gia đình. Nhưng, từ khi dây vào ma túy, tôi quên vợ bỏ con, lao vào những cuộc vui, bỏ quên gia đình. Ngoài xã hội, thì anh em trăm thằng cung phụng, nhưng khi vào tù thì thằng Thành Thứa là đứa vô danh. Cuối cùng, khi ra tù vào tội, tôi vẫn là thằng đơn phương độc mã. Tôi băn khoăn nhiều hơn về những ngày trong quá khứ! Tôi đã bỏ đi quá nhiều thứ quan trọng của cuộc đời mình, đó là gia đình.
Một buổi, chúng tôi được tập trung làm bánh chưng, giò, chả chuẩn bị đón tết. Tôi nhìn thấy một bà mẹ chừng 70 tuổi, người gầy gò, bà run lên khi nhìn thấy con. Bà cụ mệt nhọc ngồi xuống, đối diện với con trai không thèm nhìn mặt mẹ. Người con gắt gỏng:
- Bà mang nhiều tiền lên không?
Chưa kịp lau đi những giọt nước mắt, bà run rẩy:
-“Dạo này chăn nuôi không được, mẹ yếu rồi, không làm lụng được như trước. Có chút tiền trợ cấp tuổi già, mẹ đưa cho con”.
- Bà cho tôi ít vậy thì lên đây làm gì?
Người con tức giận rồi bỏ đi. Bỏ lại người mẹ đang nước mắt lưng tròng, bà cố nhìn theo bóng con, run từng tiếng nấc nghẹn.
- Mày, thằng bất hiếu, tao đấm mày chết!
- Dừng lại, không được đánh nhau!
Tôi kịp đấm thằng nhãi hỗn hào một cái trước khi cán bộ đến. Nó nhìn tôi hằn học.
- Ông hơn chó gì ai! Nhớ mặt!
Nó là Tuấn, thằng Tuấn Na Rì – Bắc Kạn, lĩnh án 8 năm tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy giống tôi. Nó mới 20 tuổi, vào trại chưa quen nên tôi không để bụng. Chỗ anh em cùng cảnh tù, tôi thương nó vì còn trẻ mà trót dại. Nhìn nó, tôi nhớ đến mình hồi trẻ, theo dăm ba thằng phá làng phá xóm. Từ khi sinh ra mồ côi cha mẹ, tôi chưa một lần nắm tay mẹ, chỉ biết bà rất hiền hậu và ấm áp. Tự dưng, tôi thèm về với mẹ!
3. Ở tù lâu cũng quen, tôi gần gũi với anh em nhiều hơn. Đặc biệt là các cán bộ quản giáo tại Phú Sơn luôn quan tâm nhắc nhở chúng tôi bằng các buổi tập huấn về pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống. Tôi bắt đầu bỏ dần ma túy, dù mỗi ngày nó vẫn dày vò tôi trong đau đớn, nhục nhã và man dại. Mỗi lần lên cơn, anh em trong phòng giữ chặt, còn tôi chỉ cuồng điên với sự gào thét, muốn bứt ra sự giận dữ của con ma thuốc trong người.
Những ngày trong tù tôi bắt đầu suy nghĩ về chữ “thiện” vì chỉ đến khi con người ta mất tất cả, họ mới quay trở lại bản năng của chính mình. Tôi nhớ đến câu chuyện của Tuấn, của những chị em tù nhân đang chuẩn bị sinh. Những đứa trẻ như con tôi, nhưng chúng lại phải sống trong tù cùng mẹ. Tôi học dần cách biết nhìn người khác, lắng nghe người khác. Tôi hay nghe Lan kể về mẹ, mẹ cô ấy may rất đẹp và hàng ngày bà vẫn may áo chờ con trở về. Mỗi lần ôm những lá thư mẹ gửi, Lan lại khóc vì ân hận, cả đời con gái truân chuyên, sa chân một bước lỡ một đời. Giờ làm lại trong tù, chưa phải quá muộn, nhưng cũng có gì đó luyến tiếc với cô gái trẻ.
Dần dần, tôi tháo gỡ được những mảng đen tối của suy nghĩ, tôi tích cực hơn, quên đi thằng Thành Thứa, Thành nghiện để tìm một con đường làm lại. Tôi muốn làm lại, muốn học chữ “thiện”. Có nhiều thứ khiến tôi bận lòng, tôi hay nhìn mình dưới bóng nước, cái thân hình gầy guộc, ốm yếu sau bao nhiêu năm ma túy tàn phá. Đúng là bóng nước, mờ ảo như chính những gì tôi trải qua. Lúc là thằng Thành Thứa, lúc là Thành tù, lúc chỉ Thành. Còn bây giờ, tôi chỉ mong tôi là Thành, Thành của bố mẹ, của vợ, của các con.
Tôi nảy ra ý tưởng lập quỹ giúp đỡ anh – chị - em trong trại hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt như Tuấn, Lan, Linh những em còn rất trẻ, nhà khó khăn. Những ngày đầu nảy ra ý định đó, tôi là con người khác. Thằng Thành biết lo cho người, biết giúp người, biết quan tâm người khác. Không còn bàn tay “nhúng chàm”, tôi muốn một bàn tay ấm hơi mẹ. Tôi bắt đầu đi vận động mọi người cùng tham gia, nhưng tất cả đều từ chối…
- Mày điên à, tù thì lấy đâu ra tiền?
- Em lo thân em chưa xong, không được đâu anh ạ…
- Chú làm một mình đi, anh nghèo lắm!
Tối nhớ lại, ngày xưa là thằng giang hồ, chuyên buôn ma túy, đào trộm vàng, tiền tính hàng thùng. Giờ đi xin từng đồng, nghĩ mà cay đắng. Nhưng, phải rồi tôi đang làm lại, chắc chắn đi từ những bước đầu tiên. Tôi tìm đến sự hỗ trợ của Ban cán bộ trại Phú Sơn. Từ đó, “Hơi ấm Phú Sơn” với cái tên Thành đã chính thức được bắt đầu. Trước tiên là chính những con người lầm lỗi như chúng tôi biết yêu thương, quý trọng lẫn nhau. Sau này, khi trở về. được làm “người” lại từ đầu.
Từ ngày gây quỹ, tôi cảm thấy mình thanh thản hơn. Lần đầu tiên trong đời học một chữ sao khó quá. Chợt nghĩ, đời không ai ác cả, chỉ có người đời dạy người cách làm ác mà thôi. Từ mười, năm mươi, một trăm nghìn, quỹ của tôi ngày càng được ủng hộ. Nhiều chị em sinh con trong trạm giam được san sẻ, quan tâm chăm sóc từ chính hoạt động của quỹ.
Ở tù, anh em biết san sẻ lẫn nhau. Có lẽ cùng cảnh nên chúng tôi vẫn gắn bó dù mỗi đứa một án. Tôi nhớ cái ngày Lan trở dạ, nó nắm chặt tay tôi trước khi vào bàn mổ. Ánh mắt vừa sợ hãi vừa hồi hộp của đứa con gái chập chững 20 sinh con trong tù khiến tôi chột dạ. Tôi nhớ vợ, nghĩ cảnh vợ một mình sinh con, nuôi chúng lớn lên, còn tôi lại phải ngồi trong tù. Cái sĩ diện của thằng đàn ông, giờ đánh đổi bởi sự đau đớn, tủi hờn cô đơn của vợ. Tôi chưa bao giờ nói thương vợ!
Đêm hôm ấy, cả Phú Sơn lại háo hức chào đón đứa trẻ như nhiều đêm khác khi có các phạm nhân nữ trở dạ. Tôi cũng không tài nào chợp mắt, chờ Lan vượt cạn. Bế đứa bé trên tay, tôi cũng thấy run run, tôi chưa bế trẻ con bao giờ, sợ mình hậu đậu làm rơi cháu. Tự dưng thấy nó ấm áp thế! Tôi nhận làm bác nuôi của con, đặt nó tên là Đức Thiện.
…Thời gian thấm thoắt trôi qua. Tôi ở Phú Sơn chừng mươi mấy mùa đông. Nhờ cải tạo tốt, tôi được mãn án sớm trước 2 năm. Ngày chia tay trại giam trở về là ngày tôi không bao giờ quên được. Trước hôm về nhà, tôi trằn trọc không ngủ. Lồng ngực đánh liên nhịp vì hồi hộp, vừa vui mừng vừa lo sợ. Rồi mai này trở về, liệu có ai chấp nhận thằng Thành này, hay vẫn là Thành Thứa, Thành nghiện. Tôi sợ đối diện với mọi người mặc dù trước đây, tôi chẳng biết sơ thằng nào khi vào sinh ra tử. Qua khung cửa sắt, bóng tôi và bóng mấy anh em in lên góc tường, mọi thứ chỉ có vài tiếng thở nhẹ, tiếng thở dài rồi nhìn nhau…
- Anh em mình cùng đội với nhau 4 năm, án thì bằng nhau, anh thì cũng chẳng sống được lâu nữa vì ung thư gan. Anh chỉ biết cảm ơn và mong chú phát huy, trở về nhớ làm người lương thiện…
- Giá như anh em mình biết dừng bước, biết quay lại thì dù ốm đau bệnh tật vẫn còn gia đình. Dù sao anh em mình cũng là kiếp người!
Đúng, dù sao cũng là kiếp người. Có làm lại vẫn chưa muộn, tôi đã tìm được con đường về với chữ “thiện”, sau những năm tháng dằn vặt nơi song sắt. Đêm ấy, tôi đã khóc. Hơn 30 năm làm cái kiếp “đâm thuê chém mướn”, tay dính máu cho đến hôm nay mới biết nhỏ lệ vì tình người. Thằng Thành về thật rồi, nó không bặm trợn! Không chém giết! Không nghiện ngập nữa. Nó học chữ “thiện”!
Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, đi một vòng quay trạm giam, chạm từng căn phòng, khoang tường, cái cây thân thuộc suốt 13 năm. Tôi ôm từng người anh em của mình thay lời tạm biệt. Trong buổi lễ trao quà đầy trang trọng, tôi như thấy mình là con người khác! Tôi là Thành! Tôi cầm từng gói quà đến tận tay mỗi người, bùi ngùi xúc động. Cả Phú Sơn như chậm lại, chỉ có nghĩa tình nơi đất trại, của những đứa “anh chị”, ngỗ ngược một thời như tôi. Tôi không nghĩ tới ngày chúng tôi biết cho nhau cái áo, tấm khăn, gói muối là ngày tôi mãn hạn tù…
Tôi chính thức được ra tù!
- Xem kìa, nghiện ra tù đấy!
- Khiếp, chả biết đã cai chưa hay về phá làng phá xóm!
- Đúng bọn mãn hạn, nhìn mà phát sợ!
Tiếng xì xèo của mấy mụ lúc nào cũng thế! 15 năm rồi mà đám phụ nữ nhiều chuyện không thay đổi. Có mụ lườm nguýt, có mụ bĩu cái môi dài thượt nhìn tôi. Tôi biết, mình ra tù phải đối mặt với đám người “chợ búa”, nào có thoát.
Sau 15 năm ra tù, tôi về nhà với bàn tay trắng! Tôi đi ra mộ thắp nhang cho bố mẹ. Suốt hàng chục năm, tôi chưa bao giờ thăm họ. Tôi nợ họ, nợ vợ con một lời xin lỗi. Tôi bắt đầu lại cuộc đời ở tuổi không còn trẻ. Dù sao tôi vẫn mong một sự tha thứ, để học cách lương thiện, học làm người.
Tôi trở về! Thằng Thành đã về!
(Tự truyện của tù nhân Nguyễn Văn Thành, chấp hành xong án phạt 15 năm tù)