Nữ giới có phải là chủ thể của tội hiếp dâm không?

(PLO) -Em trai tôi năm nay 13 tuổi. Gần đây tôi thấy em có nhiều hành động lén lút, qua tìm hiểu thì tôi được biết chị B 20 tuổi là hàng xóm của gia đinh tôi đã dụ dỗ em tôi quan hệ tình dục rất nhiều lần. Vậy pháp luật hiện hành quy định về chủ thể của tội hiếp dâm là nữ giới như thế nào? Hiện nay gia đình tôi có thể kiện chị B không, chị B có được coi là chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em không?  (Hoàng Thị Lan, Kim Bôi, Hòa Bình)
Nữ giới có phải là chủ thể của tội hiếp dâm không?

Trả lời:

Theo Bộ Luật hình sự năm 2015, tại Chương XIV, quy định “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” thì không có quy định về loại tội phạm nào phân biệt chủ thể phạm tội phải là nam giới, bị hại phải là nữ giới (trong một số trường hợp, nạn nhân là phụ nữ, trẻ em chỉ là tình tiết tăng nặng khi định tội danh).

Với quy định của pháp luật Việt Nam, tại  khoản 1, Điều 141, BLHS, quy định về tội hiếp dâm như sau: “. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Như vậy, ở phần giả định của điều luật mô tả “người nào”, có nghĩa là không phân biệt giới tính, chỉ cần người đó có hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”, thì bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về mặt lý luận về định tôi danh, khả năng để phụ nữ trở thành chủ thể của tội hiếp dâm có thể được đặt ra trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, theo khoa học pháp lý cũng như thực tiễn đời sống, việc phụ nữ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nam giới để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của họ là điều khó có thể xảy ra. Trong thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, hiện nay hành vi dùng “thủ đoạn khác” để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ có thể là hành vi được thực hiện bởi nữ giới. Ví dụ: cho uống thuốc kích dục, v.v… Do đó, hành vi người nữ giới dùng “thủ đoạn khác” giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân thì có thể coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Thứ hai, phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trong trường hợp đồng phạm. Dù không phải là người thực hành (chủ thể phổ biến là nam giới), thì phụ nữ cũng có thể bị coi là phạm tội nếu có hành vi cố ý cùng thực hiện tội hiếp dâm với người thực hành. Cụ thể, phụ nữ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức (khoản 3 Điều 17 BLHS). 

Như vậy, có thể khẳng định phụ nữ cũng có thể phạm tội hiếp dâm quy định tại Điều 141, BLHS.

Đối chiếu với tình huống của bạn thì gia đình bạn có quyền khởi kiện chị B đến cơ quan có thẩm quyền và chị B trong trường hợp này chính là chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em./.

Đọc thêm