Tuyên Quang đảm bảo cung ứng hàng hóa trong suốt thời gian đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND tỉnh Tuyên Quang cùng Sở Công Thương đã triển khai phương án “Đảm bảo sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra tại kho dự trữ của siêu thị Tuyên Quang
Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra tại kho dự trữ của siêu thị Tuyên Quang

Sở Công thương đã làm việc với hệ thống siêu thị, phối hợp với các huyện, thành phố bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây lo lắng trong nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 99 chợ, 10 siêu thị vẫn đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, do đó người dân hoàn toàn yên tâm, không phải tích trữ lương thực và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.

Theo đó, Sở Công Thương đã điều phối hàng hóa đến từng địa phương, cơ bản cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá cả hàng hóa, khai thác các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành chức năng tiến hành kiểm tra nguồn hàng dự trự tại các doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ một số doanh nghiệp chủ lực của tỉnh thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã có nhiều đề xuất phù hợp, phát huy tác dụng tốt trong việc cùng các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh (cả trong và ngoài vùng dịch). Đồng thời đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường mới, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Với việc phát huy hiệu quả, rõ nét các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp cho chuỗi cung ứng hàng hóa và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn vững vàng trước “sóng gió” COVID-19.

Thời gian tới, Sở Công Thương chủ động phân công cán bộ, công chức của Sở và đề nghị UBND các huyện, thành phố phân công công chức thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp, cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ người dân khi xảy ra dịch bệnh và diễn biến tình hình của dịch bệnh trên địa bàn./.

Đọc thêm