Tính đến tháng 4-2022, toàn tỉnh có 5 nhà máy của 5 doanh nghiệp có lắp đặt quan trắc tự động. Đối với các đơn vị này, cứ 5 phút các dữ liệu về môi trường tại nhà máy sẽ được chuyển về Sở Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các đơn vị khai thác khoáng sản sẽ thực hiện quan trắc 3 tháng/lần để đánh giá tác động môi trường; các đơn vị kinh doanh có điều kiện như kinh doanh xăng dầu, lâm sản… sẽ thực hiện quan trắc 6 tháng/lần. Với những biện pháp này, cơ bản chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ.
Công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp luôn được ngành chú trọng thực hiện, đặc biệt trong việc kiểm soát chặt chẽ các chất thải. Hàng năm, ngành có kế hoạch tăng cường kiểm soát môi trường của các đơn vị hoạt động sản xuất công nghiệp; hướng dẫn các đơn vị phân loại các chất thải, dán nhãn theo quy định đối với các loại rác thải nguy hại, tìm các đơn vị có đủ chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý và cam kết xử lý nghiêm túc đúng theo hồ sơ môi trường được cấp phép.
Bên cạnh đó, Sở Tài Nguyên Môi Trường có văn bản yêu cầu các công ty trong khu, cụm công nghiệp hoạt động, mở sổ theo dõi các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động có phát sinh chất thải nguy hại như nước thải, khói, bụi; yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt quan trắc tự động để truyền tải dữ liệu 24/24 về sở theo dõi.
Vì vậy, các sự cố của các đơn vị này được phát hiện và xử lý kịp thời. Các trường hợp vi phạm tiến hành xử phạt và bắt buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với các dự án công nghiệp đầu tư mới vào tỉnh, nếu có tác động đến môi trường sẽ phải xây dựng phương án tác động môi trường mới được triển khai xây dựng.
Hiện nay, rác thải phát sinh chủ yếu từ hoạt động của hộ gia đình, trường học, chợ, cơ quan hành chính, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ… Trung bình mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn phát sinh gần 180 tấn. Trong đó, khu vực thành thị trên 114 tấn/ngày, khu vực nông thôn trên 64 tấn/ngày. Hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn theo cách làm truyền thống thủ công, bán cơ giới; thiếu trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển sau phân loại. Rác thải sau khi thu gom về sẽ xử lý theo hình thức chôn lấp, về lâu dài, đây là bài toán đối với các địa phương khi quỹ đất chôn cất rác có hạn, gây ô nhiễm.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, xây dựng hạ tầng từ điểm tập kết, điểm trung chuyển, bãi rác, nhà máy xử lý rác thải tập trung ở thành phố Tuyên Quang và các vùng phụ cận, các huyện để giảm rác thải chôn lấp chưa qua xử lý xuống dưới 30% vào năm 2025.