Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ngày 24/11, nhằm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với sự tham dự của 600 đại biểu từ các bộ, ngành; giới văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước.
Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc thêm một lần nữa quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Từ đó cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng tạo thành mặt trận nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam vững mạnh.
Nghệ thuật trang trí lên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Thông qua Hội nghị, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào. Qua đó, các cơ quan quản lý sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là: phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường".
Riêng đối với tỉnh Tuyên Quang, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với hơn 600 di tích lịch sử. Đảng bộ UBND tỉnh luôn coi trọng phát triển văn hóa, con người trên nhiều phương diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Tuyên Quang có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh, khơi dậy trong nhân dân tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự lực tự cường, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.
Dựa trên các giá trị di sản sẵn có, tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các khu, điểm di tích, danh thắng thành các khu, điểm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Tuyên Quang.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 10 di sản của tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 46 lễ hội, trong đó có 42 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa. Trong đó, nghệ thuật trang trí lên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Năm 2012, nghi lễ nhảy lửa tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Lâm Bình cũng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nghi lễ nhảy lửa ở Lâm Bình, Tuyên Quang được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012 |
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đã triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học nhằm bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Phát triển văn hóa không đơn thuần là các hoạt động văn hóa văn nghệ, là những buổi biểu diễn, những vở kịch, bộ phim hay một ca khúc, mà văn hóa và giá trị văn hóa chứa đựng trong mọi công việc, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong hoạt động của mỗi con người, mỗi tập thể, trong giá trị của từng sản phẩm hàng hóa... Văn hóa và các giá trị văn hóa còn là nhân cách của mỗi con người, còn là cốt lõi để tạo nên thương hiệu quốc gia, hình ảnh đất nước”.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang cũng xác định các giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển văn hóa, con người là gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó là xây dựng con người và môi trường văn hóa Tuyên Quang hiện đại, có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh; khơi dậy trong nhân dân tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, phát huy truyền thống quê hương cách mạng. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Với những nỗ lực không ngừng, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xây dựng văn hóa trở thành trung tâm, cầu nối, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển của tỉnh nói riêng và cả đất nước nói chung.