|
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và đoàn kiểm tra thực địa công trình tại núi Dùm, TP. Tuyên Quang. |
Đầu tháng 6, các đoàn đã kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công do lãnh UBND tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành kiểm tra tiến độ các công trình sử dụng vốn đầu tư công và làm việc với một số huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn thành phố Thành phố Tuyên Quang là trên 2.220 tỷ đồng, tổng nguồn vốn UBND thành phố quản lý đến 30/5/2022, không bao gồm vốn ngân sách thành phố là trên 325 tỷ đồng. Đến hết tháng 5 thành phố giải ngân được hơn 520 tỷ đồng, đạt 23,5%. Trong đó công trình, dự án do UBND thành phố Tuyên Quang quản lý trên 66 tỷ đồng, đạt 24,1% kế hoạch.
Năm 2022 huyện Na Hang được bố trí hơn 72,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình. Đến ngày 30/5, huyện giải ngân được 14,9 tỷ đồng, bằng 20% tổng kế hoạch vốn. Việc triển khai xây dựng một số công trình còn chậm, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, thu tiền sử dụng đất phân cấp cho huyện là 2,2 tỷ đồng đến ngày 30/5 chưa giải ngân; các nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý giải ngân được 2,3 tỷ/40,2 tỷ đồng, bằng 5,8% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách Trung ương cho di dân thủy điện Tuyên Quang 2,3 tỷ/15 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch.
Theo báo cáo của huyện Chiêm Hóa cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư trên địa bàn huyện Chiêm Hóa năm 2022 hơn 176,5 tỷ đồng, tính đến ngày 30/5 số vốn đã giải ngân là 82,2 tỷ đồng, đạt 46,58% kế hoạch. Trong đó, vốn tỉnh quản lý là 94,7 tỷ đồng, giải ngân được 40,2 tỷ đồng, đạt 42,5% vốn kế hoạch; vốn ngân sách huyện là 81,8 tỷ đồng, giải ngân được 41,9 tỷ đồng, đạt 51,29% kế hoạch.
Lý giải về tỷ lệ giải ngân thấp, lãnh đạo các huyện, thành phố và các chủ đầu tư, đơn vị thi công cho rằng do thời tiết không thuận lợi, công tác triển khai các thủ tục đầu tư, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, một số dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán, công tác giải phóng mặt bằng đối với một số công trình còn chậm, nghiệm thu bàn giao, thẩm tra quyết toán chậm so với kế hoạch.
Lãnh đạo các địa phương của tỉnh Tuyên Quang cũng nêu ra một số kiến nghị về việc bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, cũng như lựa chọn những đơn vị tư vấn, thiết kế công trình có uy tín để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.
Tại buổi làm việc với UBND Thành phố Tuyên Quang về việc giải ngân vốn đầu tư công hôm 1/6, ông Nguyễn Văn Sơn Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế gây chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như, Các chủ đầu tư còn thiếu cụ thể, thiếu quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án, năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công, tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm.
Đáng chú ý, qua kiểm tra thực tế cho thấy Công trình cải tạo nâng cấp tuyến đường từ đường Tân trào qua làng Dùm phường Nông Tiến, Thiền Viện Chính Pháp Tuyên Quang đến Đền Cấm xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang thuộc Dự án Chương trình Đô thị Miền núi phía Bắc, giai đoạn 2, có 2 đoạn tuyến dài 12 km, Công trình có tổng vốn đầu tư trên 147 tỷ đồng, do UBND thành phố Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Dự án dự án sẽ phải hoàn thành vào cuối tháng 6/2022, nhưng đến thời điểm hiện nay chưa khai thông toàn tuyến do còn trên 2 km chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng.
Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 253/UBND-ĐTXD, ngày 24/1/2022 và Văn bản số 424/UBND-ĐTXD, ngày 14/2/2022 chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư, chủ dự án, công trình xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang cho thấy, lũy kế vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi đến ngày 11/3/2022 còn trên 487 tỷ đồng, giải ngân kế hoạch năm 2022, nguồn vốn ngân sách Nhà nước Trung ương đạt 5,7% kế hoạch, thấp so với kế hoạch đề ra, số vốn chưa giải ngân còn tới 2.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 14/3/2022, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thống nhất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022.