Nhận thấy chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao ban hành 16 năm trước không còn phù hợp, chính quyền tỉnh Nam Định đang thực hiện quy trình ban hành chính sách hỗ trợ mới…
|
Ảnh minh họa. |
Theo nội dung văn bản do Văn phòng UBND tỉnh phát đi, trên cơ sở Tờ trình của Giám đốc Sở Nội vụ, UBND tỉnh Nam Định quyết định thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có bằng TNSĐH.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên thuộc quyền quản lý của tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo trình độ Tiến sĩ.
- Viên chức ngành Y tế được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đi đào tạo trình độ Điều dưỡng chuyên khoa cấp I; Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II.
- Người có trình độ Tiến sĩ được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh tuyển dụng, tiếp nhận làm công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên.
- Điều dưỡng chuyên khoa cấp I, Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh tuyển dụng, tiếp nhận vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế của tỉnh.
Mức hỗ trợ đối với trình độ Tiến sĩ là 100 triệu đồng; trình độ Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp II là 50 triệu đồng; trình độ Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng chuyên khoa cấp I là 25 triệu đồng.
Văn bản cũng dành riêng một mục để quy định về việc chuyển tiếp. Theo đó, đối với những trường hợp là Tiến sĩ; Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng chuyên khoa cấp I, cấp II đã được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đi đào tạo trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, sau khi tốt nghiệp được hưởng mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực.
Đối với những trường hợp khác tại mục đối tượng hỗ trợ (Mục 1), đã được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đi đào tạo sau đại học trước ngày Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực, sau khi tốt nghiệp được hưởng mức hỗ trợ theo Quyết định 3852/2005/QĐUBND ngày 14/12/2005 của UBND tỉnh.
Nguồn kinh phí hỗ trợ, theo văn bản là từ nguồn ngân sách tỉnh.
UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các thủ tục; báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ trên.
Như vậy, chính sách hỗ trợ trên còn phải được UBND tỉnh trình, được HĐND tỉnh Nam Định thông qua, ban hành thành nghị quyết mới được áp dụng.
Trước đó, ngày 29/3, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Triệu Đức Hạnh ký Tờ trình gửi UBND tỉnh Nam Định, về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có bằng TNSĐH.
Trong đó, ông Triệu Đức Hạnh cho biết, sau 16 năm thực hiện Quyết định số 3852/2005/QĐUBND ngày 14/12/2005 của UBND tỉnh (chế độ hỗ trợ cho người có bằng TNSĐH), ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 900 trường hợp, tổng số tiền hỗ trợ trên 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định, sau 16 năm, đến nay chính sách hỗ trợ này đã bộc lộ hạn chế, bất cập.
Đối tượng hỗ trợ không còn phù hợp với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bằng TNSĐH hiện nay; nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến mất cân đối về cơ cấu, không tạo được sự đột phá ở những khâu trọng yếu trong xây dựng nguồn nhân lực, làm giảm tính hiệu quả của chính sách.
Ông Triệu Đức Hạnh cũng cho rằng định mức hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học và thu hút người có trình độ cao (Tiến sĩ, Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp II) về tỉnh công tác sau 16 năm thực hiện không còn phù hợp với thực tiễn, do vậy tính khuyến khích, thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học không cao.
Từ đó, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định cho rằng việc quy định tiếp tục hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có bằng TNSĐH là “hết sức cần thiết”.