Unilever hành động nhằm ứng phó với ô nhiễm nhựa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ô nhiễm nhựa là vấn đề có thể khắc phục được, nhưng chúng ta cần có một kế hoạch hành động. Vì vậy, Unilever đang cùng các doanh nghiệp khác kêu gọi việc thực hiện một hiệp ước của Liên Hiệp Quốc để giải quyết vấn đề này trên quy mô toàn cầu.
Unilever hành động nhằm ứng phó với ô nhiễm nhựa

Nhựa là một vật liệu có giá trị, đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo việc phân phối sản phẩm được diễn ra an toàn và hiệu quả, đồng thời phát thải ít carbon hơn nhiều so với những vật liệu thay thế khác. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm chính là nhựa lại tồn tại quá nhiều trong môi trường.

Trên thực tế, dự đoán khủng hoảng ô nhiễm nhựa sẽ gia tăng từ nay đến năm 2040 với lượng nhựa nguyên sinh được tạo ra nhiều gấp đôi và rác thải nhựa thải ra đại dương nhiều gấp bốn lần hiện nay.

Tuy nhiên, việc cấm nhựa hoàn toàn không phải là giải pháp, mà cần xuất phát ở việc giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, đồng thời đảm bảo tất cả nhựa chỉ xuất hiện trong nền kinh tế tuần hoàn, nghĩa là xem nhựa như một nguồn tài nguyên thay vì chất thải.

Unilever hiện đang nỗ lực trên cả hai khía cạnh này, cam kết giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh đến năm 2025 (một trong số đó thông qua việc loại bỏ hơn 100.000 tấn nhựa khỏi bao bì), đồng thời thiết kế tất cả các loại bao bì sản phẩm đảm bảo có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy hoàn toàn. Hiện nay, công ty đang thực hiện khá tốt theo lộ trình đặt ra.

Chúng tôi cũng đã thực hiện ký kết các thỏa thuận, bao gồm Cam kết Toàn cầu về Nền Kinh tế Nhựa Mới nhằm xóa bỏ chất thải và ô nhiễm nhựa tại nguồn, và nhiều Hiệp định về Nhựa khác với mục đích kêu gọi các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp cùng chung tay để đẩy nhanh tiến độ tái sử dụng và thay đổi mục đích sử dụng nhựa.

Hiện nay, các thỏa thuận này đang được thực thi. Theo Báo cáo Tiến độ Cam kết Toàn cầu 2021, các thương hiệu và nhà bán lẻ liên quan đã cùng nhau giảm mức tiêu thụ nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì ở năm thứ hai kể từ khi các thỏa thuận đi vào hoạt động. Quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn nữa với những cam kết mới nhằm thực hiện giảm 20% việc sử dụng nhựa nguyên sinh so với năm 2018 trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Bên cạnh những cam kết và hành động nêu trên, chúng ta cần tiến xa hơn và nhanh hơn.

Cụ thể, để giải quyết vấn đề về nhựa, các quốc gia cần thay đổi về cách sử dụng, tái chế nhựa, cũng như giảm sử dụng nhựa. Chúng ta cần những hành động kiên quyết trên phạm vi toàn cầu để giải quyết triệt để. Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa chúng ta cần chuyển từ các biện pháp tự nguyện sang bắt buộc.

Đó là lý do tại sao, cùng với hơn 70 doanh nghiệp khác, Unilever đang kêu gọi một hiệp ước Liên Hiệp Quốc đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý - dựa trên nền kinh tế tuần hoàn - để giải quyết ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu, tương tự như Thỏa thuận Paris đã giúp thế giới cùng thực hiện lộ trình giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Cần đặt ra mục tiêu và cách tiếp cận chung

Ô nhiễm nhựa không bắt đầu và kết thúc ở một hay vài quốc gia nhất định mà cần toàn thế giới chung tay để giải quyết triệt để vấn đề này. Nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý nhựa cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, đồng thời mang lại những tác động kinh tế và xã hội tích cực.

Chúng tôi tin rằng hiệp ước sẽ gắn kết tất cả mọi người - các Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội – để cùng hiểu rõ về các nguyên nhân và phương án chung để giải quyết vấn đề về nhựa. Đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, điều này tạo ra một sân chơi bình đẳng, đồng thời thiết lập các điều kiện thích hợp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý nhựa trên quy mô lớn.

Chúng tôi cũng tin rằng cần có những ràng buộc pháp lý và các mục tiêu bắt buộc nhằm hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, thậm chí ở cấp Chính phủ tại mỗi quốc gia. Việc đảm bảo mọi quốc gia tham gia và tuân thủ sẽ mở ra những hạng mục đầu tư cần thiết để mở rộng quy mô đổi mới, cơ sở hạ tầng và kỹ năng cho những khu vực cần được hỗ trợ nhất.

Chúng ta có lý do để lạc quan rằng một hiệp ước như vậy có thể được thiết lập và đưa vào áp dụng: 3/4 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, tương ứng với hơn 150 quốc gia, cũng như nhiều doanh nghiệp và nhóm nhà đầu tư đã ủng hộ ý tưởng này. Người dân trên thế giới cũng đang đòi hỏi những hành động thiết thực. Bản kiến ​​nghị của WWF kêu gọi thiết lập hiệp ước cho đến nay đã được hơn 2 triệu người ký tên ủng hộ. Và chúng ta cần có thêm nhiều sự ủng hộ từ các tổ chức và người dân, từ để thúc giục các Chính phủ bắt tay vào thực hiện hiệp ước.

Chúng tôi đã có các giải pháp cần thiết để đến năm 2040 có thể giảm khoảng 80% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm. Báo cáo “Phá vỡ làn sóng nhựa” của The Pew Charity Trusts đã chỉ ra, việc thiếu các giải pháp kỹ thuật không phải là yếu tố cản trở chúng ta giải quyết ô nhiễm nhựa, mà chính là khuôn khổ pháp lý, mô hình kinh doanh và cơ chế tài trợ còn chưa hoàn thiện.

“Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng để thiết lập một hiệp ước đầy tham vọng của Liên Hiệp Quốc về nhựa. Một bản hiệp ước nêu rõ việc cắt giảm sản xuất nhựa nguyên sinh, thúc đẩy quan hệ hợp tác để thực hiện các giải pháp mang tính hệ thống và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu”, ông Alan Jope, Giám đốc Điều hành Unilever cho biết.

Ông Alan Jope cũng chia sẻ thêm: “Tại Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc sắp tới, quy trình thực hiện các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý phải được thống nhất trước khi quá muộn. Quy mô và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng đã được hiểu rõ. Chúng tôi đã có sẵn động lực và biết cần phải làm những gì. Bây giờ là lúc cần đưa ra những quyết định khó khăn, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa một lần và mãi mãi.”

Đọc thêm