Vận chuyển chất thải nguy hại không có bình chữa cháy bị xử phạt như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Chu Đăng Đang (ở Hải Dương) hỏi: Tôi là công nhân lái xe tải thuê cho một doanh nghiệp. Vừa qua, tôi đang lái xe lưu thông trên đường, trên xe có chứa chất thải nguy hại thì bị lực lượng công an dừng xe kiểm tra. Kết quả, tôi không bị lỗi nào vi phạm về Luật Giao thông nhưng bị thiếu bình cứu hoả trên xe. Tôi muốn hỏi, đối với hành vi thiếu bình cứu hỏa thì tôi bị giữ phương tiện trong bao lâu? Và chịu phạt theo mức nào? Tôi xin cảm ơn!
Ảnh minh họa: TCPCC.
Ảnh minh họa: TCPCC.

Luật sư, Thạc sỹ Đỗ Khắc Hiệp (Công ty Luật Hợp Danh Chấn Hưng) cho biết: Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

Điểm a khoản 4 Điều 37 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định: Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại khi đang hoạt động phải có đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới được quy định tại Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, đối với phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan công an cấp và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Điểm e khoản 3 Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi: Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật.

Bình chữa cháy các loại (bột, bọt, khí, gốc nước) được xác định là một trong các phương tiện chữa cháy thông dụng (quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, điểm a khoản 4 Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công trình hoặc phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy vận chuyển hành khách theo quy định của pháp luật.

Về phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được quy định tại điểm 19 phụ lục V, kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ gồm: phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện đường thủy có chiều dài từ 20m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ.

Quay trở lại với câu hỏi của bạn Chu Đăng Đang, do không nói rõ chất thải nguy hại mà bạn vận chuyển là loại nào nên bạn cần tham khảo các quy định trên để xác định lỗi và mức độ có thể bị xử phạt của mình thuộc khoản 3 hay khoản 4 Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Đối với việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Cần lưu ý là, việc tạm giữ chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết theo quy định tại khoản 1 của Điều 125.

Về thời hạn tạm giữ phương tiện được quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi điểm b khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022). Theo đó, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật này (Luật Xử lý vi phạm hành chính) nhưng không quá 1 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật này thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 2 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Đọc thêm