Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề, lấy ý kiến của các trường về việc lựa chọn phương án tổ chức kì thi quốc gia trong 3 phương án Bộ đưa ra: thi môn theo kiểu truyền thống, thi theo bài thi hay kết hợp môn thi và bài thi. Phần đa các ý kiến đều đồng tình với phương án 2.
Kết quả thi có đáng tin cậy?
Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: Xu hướng tích hợp một kỳ thi là định hướng đổi mới quan trọng để có thể thay đổi thi ĐH và kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, vấn đề là nội dung thi, cách thức thi ra sao? Cả 3 phương án, nội dung thi vẫn nặng nề. Ông Sơn đề xuất thi toán và ngữ văn, trong tương lai thì tích hợp thành một bài thi, có thể khai thác thi qua hệ thống máy tính để đảm bảo mức độ trung thực, các trường có thể tin tưởng.
Ông Nguyễn Văn Trào (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho rằng cần có sự giám sát của Nhà nước; chương trình đào tạo phải đảm bảo tính thống nhất nhằm tạo ra những giáo sinh đáp ứng được đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ứng với từng địa phương, từng điều kiện cụ thể
Và hiến kế…
Ông Phan Huy Phú - Phó Hiệu trưởng ĐH Thăng Long - nêu quan điểm: Hiện nay và trong vài năm tới, các trường ĐH chưa tin tưởng vào chất lượng thi tổ chức ở địa phương. Ông cho rằng có thể cho đăng ký ĐH, cao đẳng trước kỳ thi; có nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên và thí sinh dự thi tại trường đăng ký nguyện vọng 1. Bộ sẽ thành lập một ban tuyển sinh, chỉ trong vài giờ có ngay kết quả và phân bổ thí sinh về các trường, thí sinh có thể được vào học trường cao nhất tương đương với số điểm của họ.
Ông Nguyễn Hữu Tú (ĐH Y Hà Nội) nêu ý kiến, cần tổ chức như thế nào để có thể có được kết quả dùng được. Trong năm tới, khi chỉ có một kỳ thi, khối trường Y sẽ đề xuất có thêm kỳ thi bổ sung để đảm bảo đầu vào. Hơn nữa, Bộ cần có quy tắc tuyển thẳng, xét tuyển thẳng khi mà cho đến nay có rất nhiều đơn “kêu khóc” 26 điểm vẫn trượt (Năm nay, có tới hơn 127 thí sinh tuyển thẳng, chiếm 23,1% chỉ tiêu của ngành Bác sĩ đa khoa).
Ông Nguyễn Duy Khoát - Phó Giám đốc Học viện An ninh - cho rằng, nên giao tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cho các tỉnh vì địa phương vẫn chủ động tổ chức thi và nên giữ kỳ thi ĐH như hiện nay, trường nào nếu thấy không cần thiết thì bỏ thi. Hiện kỳ thi học sinh giỏi phổ thông được giao cho địa phương, bài được mang về chấm ở Bộ nhưng có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mà 3 môn thi tại trường chỉ được 9 điểm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, khi phương án kì thi quốc gia chung được phê duyệt, khối ĐH và khối phổ thông cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cầu thị khách quan để báo cáo lên Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:
Kỳ thi quốc gia phải là căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh đại học
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc để công bố công khai vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, phương án một kỳ thi quốc gia trước dịp khai giảng năm học mới. Kỳ thi có 2 mục tiêu vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Theo Phó Thủ tướng, trước thực tế tỷ lệ tốt nghiệp THPT hiện rất cao thì trước mắt, kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh đại học (ĐH). Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới thì lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào các trường ĐH). Trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hành động, “xông vào làm với tinh thần làm đến đâu, gỡ đến đấy, không quá cầu toàn”.