Hội thảo đã tập trung bàn bạc, thảo luận về vấn đề các DN, quản trị nhân sự và định hướng phát triển trong tương lai. Trong đó, văn hóa DN được quan tâm hàng đầu. Đây là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam cho biết, cần phải nâng cao nhận thức về văn hóa DN trong cộng đồng DN. Đồng thời, xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa DN Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển văn hóa DN là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Đặc biệt, đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch.
Nói về văn hóa DN, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, văn hóa DN là một phạm trù rộng. Để thực hiện, DN cần phải có tầm nhìn và mục tiêu cụ thể trong sự phát triển. Đồng thời, phải không ngừng đào tạo lực lượng cán bộ hiểu được tầm nhìn và mục tiêu của lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
“Đặc biệt, mục tiêu cuối cùng của văn hóa DN là làm sao DN phải biết thượng tôn pháp luật và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Làm được những điều đó, DN mới có thể tự mình đứng vững, vươn ra cộng đồng thế giới. Những DN không xây dựng được thì chỉ tồn tại trong một thời điểm nhất định, khi hội nhập sẽ rớt ra phía sau và không được cộng đồng DN công nhận”, ông Toại nói.
Từ đó càng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa DN, góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần tôn trọng pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.