Vấn nạn chó thả rông ở Hoàng thành Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi đi tập thể dục, vui chơi và giải trí quanh Hoàng thành Huế, quảng trường Ngọ Môn nhiều người dân đã hoảng hốt khi thấy chó thả rông, không rọ mõm tự do đi lại. Tình trạng này còn diễn ra ở một số nơi trong từng hẻm, kiệt lớn nhỏ của TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế… tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe và tâm lý của người dân.
Chó thả rông trong khu dân cư trên đường Tuệ Tĩnh (TP Huế).
Chó thả rông trong khu dân cư trên đường Tuệ Tĩnh (TP Huế).

Chó lông nhông quanh khu di sản

Hoàng thành và Quảng trường Ngọ Môn được chỉnh trang sạch đẹp. Mùa hè, đây là nơi xanh, sạch, mát mọi góc nhìn với những hàng cây, hàng hoa mai, hoa sứ, hoa diên vĩ,... Tuy nhiên, người dân khi đến đây vào sáng sớm và buổi tối cảm thấy việc tập thể dục, thư giãn trên cung đường di sản tuyệt đẹp này có đôi phần chưa an tâm khi bị gián đoạn vì những chú chó thả rông.

Chị C.T.T.H (phường Thuận Lộc) cho biết, buổi tối và buổi sáng chị thường đi bộ quanh Hoàng thành Huế và Quảng trường Ngọ Môn. Hầu như ngày nào chị cũng đối mặt từ vài con đến cả đàn chó thả rông, không rọ mõm nghênh ngang. “Tôi nghe chó Pitpull cắn chết người thương tâm ở tỉnh Long An, lại nhìn thấy cảnh chó thả rông hàng ngày mà nổi cả da gà. Ai nuôi chó cũng bảo chó nhà tôi hiền lắm nhưng nó chỉ là chó chứ phải người đâu” - chị C.T.T.H lo lắng nói.

Một người dân chăn dắt chó đi dạo trong Hoàng thành.
Một người dân chăn dắt chó đi dạo trong Hoàng thành.

Mỗi ngày, dù đang trong thời điểm dịch COVID-19 người dân trong đó có cả trẻ em vẫn duy trì thói quen tập thể dục, vui chơi ở đây hay đạp xe qua các tuyến đường Lê Huân, Đặng Thái Thân để nâng cao sức khỏe.

Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi ghi nhận chó ở đây có nhiều loại: có chó cỏ, chó ta, có chó ngoại và chó cũng nhiều độ tuổi, có con trông rất hung dữ. Rất ít chó đi kèm chủ mà đa phần thả rông, không rọ mõm. Khi đi kèm chủ, không khó để gặp cảnh chủ của chúng cũng phải cố hết sức để giữ không tuột dây xích khi chó bất thình lình chạy hoặc muốn chồm lên vì thấy người lạ.

Ông T.T.X, trú tại phường Thuận Thành nhận thấy, “Chó thả ở khu vực này gây mất mĩ quan và nguy hiểm”. Ông X vừa nói thì chú chó không rõ của ai đã lao ra đường Đặng Thái Thân rượt người đi xe đạp và sủa, tình huống này vô cùng nguy hiểm vì có thể người đi đường bất ngờ sợ hãi mà xảy ra tai nạn do ngã xe. Thấy vậy ông X chỉ biết lắc đầu.

Chó thả rông trong Hoàng thành.
 Chó thả rông trong Hoàng thành. 

Có mặt và ghi nhận những hình ảnh này, bản thân phóng viên cũng đã bị chó chạy theo sủa sợ muốn rơi cả máy ảnh khi đang tác nghiệp. Tình trạng này từng được người dân phản ánh lên ứng dụng Huế S (nền tảng di động được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ thông minh) nhưng đến nay vẫn tiếp diễn.

Trả lời chúng tôi về vấn đề này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Tháng 3/2020, Trung tâm đã làm hai bảng Nội quy để đặt tại quảng trường Ngọ Môn, quy định những việc người dân, du khách không được làm, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng, trong đó có nội dung không chăn thả, mang dắt thú nuôi vào Quảng trường, đồng thời thường xuyên nhắc nhở người dân tuân thủ nội quy.

Dù vậy nhưng vì lực lượng bảo vệ mỏng (6 người chia làm 2 ca và 1 chiến sĩ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu), địa bàn rộng, người dân thường thể dục các giờ 5 – 7h sáng và 17 – 22h đêm, lại chưa có chế tài đủ mạnh nên đôi lúc không kịp nhắc nhở”.

Những chú chó không rọ mõm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân.
 Những chú chó không rọ mõm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân.

Nỗi lòng khó nói của các láng giềng ...

Không chỉ chó thả rông ở Hoàng thành, quảng trường Ngọ Môn, mà chó thả rông trong các khu dân cư cũng khiến tình làng nghĩa xóm đôi khi sứt mẻ vì chủ nuôi không ý thức, trách nhiệm với vật nuôi và với sức khỏe của cộng đồng.

Dạo qua các đường hẻm Tuệ Tĩnh, Thạch Hãn, Lương Y buổi sáng, người dân bắt đầu ngày mới với việc bị đám chó theo “ngửi chân”. “Tôi chỉ sợ nó há miệng lên một cái thì kêu cũng không biết kêu ai”, chị Đ. T. T người dân trên đường Nhật Lệ có việc ngang qua đây chia sẻ nỗi lo lắng.

“Chó đôi khi chạy qua nhà tôi phóng uế bừa bãi nhiều lần khiến tôi bực bội khi phải làm hàng xóm với những gia đình như vậy.”, chị Đ.T.T.H, trú phường Trường An bức xúc.

Những người vị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng dại với nhiều lo lắng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Huế.
 Những người vị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng dại với nhiều lo lắng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Huế.

Có mặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vào một ngày tháng năm, từ sáng sớm rất nhiều người bị chó mèo cắn đến đây mang theo nỗi đau về thể chất với những vết cắn nặng nhẹ khác nhau của vật nuôi và cả những lo lắng khi con vật cắn mình bị chết. Em Nguyễn Thị Bạch Dương, trú tại đường Nguyễn Khuyến ứa nước mắt, kể: “Em bị cắn xong mấy ngày thì con vật chết. Vết thương ở tay đã liền da nhưng em rất sợ”.

Câu chuyện nuôi chó thả rông trong đô thị với nhiều bất cập không mới, nhưng thả rông chó quanh khu di sản, trong đô thị không chỉ gây mất vệ sinh, nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của TP Huế.

Hiện nay luật về phạt chủ để vật nuôi thả rông, không rọ mõm đã được quy định cụ thể, tuy nhiên việc giám sát, thi hành vẫn còn chưa hiệu quả. Vụ việc chó Pitpull ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hung tợn cắn chết người tại chỗ thực sự là một bài học ngay trước mắt mà địa phương nào cũng cần phải “trông người lại ngẫm đến ta” cấp thiết có giải pháp, chế tài đủ sức răn đe chứ không thể để sự việc diễn ra rồi mới bắt đầu loay hoay xử lý …

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020, toàn tỉnh có 2279 người phải tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh phòng bệnh dại. Trong 4 tháng đầu năm 2021, khoảng 714 người tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh phòng bệnh dại, trung bình hơn 25 người/ngày. Số con vật mất tích, chạy rông sau khi cắn các bệnh nhân trong đó có chó là 43, con vật lên cơn dại là 66 trường hợp... nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thường có xu hướng gia tăng vào các tháng mùa hè cao điểm từ tháng 4 – 6. Số người bị chó cắn cao gấp 7 lần mèo cắn.

Đọc thêm