Nỗi lo thiếu máy thở
Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” cả nước phòng chống dịch Covid-19 thì tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam lại được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Của ít lòng nhiều, ai có gì ủng hộ đó, từ bác nông dân có con cá, mớ rau, cân gạo đến các “Mạnh Thường Quân” là doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp nhiều tỷ cùng cả nước “kháng chiến” chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Tổng Bí thư và Thủ tướng kêu gọi.
Tuy nhiên, trên cả thế giới cũng như tại Việt Nam, gặp phải một vấn đề: Tình trạng thiếu máy thở. Lúc này có tiền có khi cũng khó mua, vì cả thế giới đều thiếu. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến nay các BV và hệ thống dự trữ quốc gia chỉ có gần 4.000 máy thở. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Ở Hà Nội 8 triệu dân nhưng chỉ có 300 máy thở, nếu dịch bùng phát sẽ là đại họa”.
Trong nỗi lo này, hôm 2/4 Hội Doanh nghiệp quận 1 bất ngờ loan tin: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Trường Đại học Văn Lang có nhã ý tài trợ toàn bộ chi phí trang bị 2.000 máy thở hiệu Hummings Plus là dòng máy thở được chế tạo đa năng đặc biệt thích hợp điều trị Covid-19 để tặng Chính phủ nhằm chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. Trong thông cáo báo chí nêu rõ: “Được biết, số máy này chiếm gần 50% số lượng máy thở hiện đang có tại Việt Nam”.
2.000 “máy thở” trên được giới thiệu là sản phẩm của Công ty CP Metran (trụ sở chính tại Nhật Bản, có nhà máy sản xuất tại Bình Dương). “Hợp đồng đã được ký kết và các nhà tài trợ đã thanh toán 100% giá trị 2.000 bộ máy thở cho Metran Nhật Bản. Nếu được sự chấp thuận và tạo điều kiện về thủ tục, vận chuyển, cấp phép và các thủ tục liên quan đến mở rộng sản xuất của Nhà máy Metran tại Bình Dương với sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thì Metran sẽ giao 2.000 bộ máy thở này cho Việt Nam trong vòng hai tháng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay”.
Sau thông tin trên, dư luận xuất hiện nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng loại máy trên là máy thở cả thế giới đang cần, hay chỉ là máy trợ thở đơn giản hơn, giá thành rẻ hơn.
Theo tìm hiểu của PLVN, hai loại máy này có mức giá rất khác nhau. Nếu giá máy thở từ 30.000-100.000 USD/chiếc thì một máy trợ thở có khi chỉ có giá vài chục triệu VNĐ.
Theo các chuyên gia về hô hấp, thở máy được chia thành thở máy không xâm nhập (thở qua mặt nạ, ống thở oxy 2 mũi) và thở máy xâm nhập (đặt nội khí quản). Loại máy thở không xâm nhập được gọi “dân dã” là máy trợ thở. Còn máy thở xâm nhập là máy thở.
Máy thở khác gì máy trợ thở?
Giải thích nôm na đơn giản, trả lời PLVN, một lãnh đạo BV TW Huế cho biết, máy trợ thở là máy hỗ trợ hô hấp đơn giản. Máy này hỗ trợ theo nhịp thở của bệnh nhân, hít vào thì sẽ bơm thêm oxy vào; còn khi thở ra thì sẽ “hứng” hơi thở ra để cơ hô hấp đỡ mệt. Máy này dùng chủ yếu cho các trường hợp mà bệnh nhân suy hô hấp người già, người béo phì.
Máy thở có cấu tạo phức tạp hơn, được dùng khi bệnh nhân mất hoàn toàn trương lực cơ hoành, dùng máy bơm không khí đưa oxy vào để bệnh nhân thở được. Máy thở dùng trong trường hợp bệnh nhân mê sâu, mê hoàn toàn, liệt luôn cơ hô hấp.
“BV TW Huế chủ yếu chỉ dùng máy thở và có chừng 100 máy, liên quan đến hồi sức, cấp cứu, đột quỵ, gây mê. Một trăm máy này chúng tôi thường sử dụng tới 80 máy. Trong mùa dịch Covid-19, máy thở là thiết bị y tế cấp thiết để cứu sống những người bệnh đã ở giai đoạn hai lá phổi bị virus Corona tấn công, tàn phá nghiêm trọng. Sắp tới BV sẽ trang bị thêm 10 máy thở nữa, đề phòng trường hợp dịch bùng phát”, ông nói.
Cũng theo chuyên gia này, những trường hợp dương tính với virus Corona được điều trị ở BV TW Huế đều chưa cần sử dụng máy thở vì chưa có ai suy hô hấp. Nhưng một vài bệnh nhân trong diện cách ly, dù không dương tính, lại bị các bệnh liên quan suy hô hấp, nên đã cho chạy máy thở.
“Những máy thở ở BV TW Huế đều được mua từ những công ty y tế nổi tiếng trên toàn thế giới, đảm bảo chất lượng tốt. BV cũng cử những chuyên gia giỏi, bác sĩ có chuyên môn tốt sử dụng loại máy này. Theo tôi, cơ chế sản xuất của máy thở không phải quá khó. Phần cơ, khung thì Việt Nam hoàn toàn sản xuất được. Khó là bộ phận điện tử, điều khiển cảm biến. Ví dụ bệnh nhân nhỏ mình cân chỉnh, dung tích thở 0,7-1 lít, còn người lớn 2-3 lít mới đủ. Tóm lại, khó nhất trong việc sản xuất máy thở là bộ phận điện tử. Nếu làm không cẩn thận có thể phá vỡ cả phế nang bệnh nhân”, ông phân tích.
Cùng quan điểm, BS Nguyễn Đăng Khiêm (Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Xô) cho hay, máy trợ thở là máy hỗ trợ hô hấp đơn giản, cấu tạo và cách vận hành khá đơn giản, có thể tự sử dụng tại nhà mà không cần những thiết bị bổ trợ hoặc đào tạo chuyên sâu.
Máy thở thì khác là chuyên dùng trong BV, cấu tạo phức tạp, nhiều tính năng để có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân mất khả năng hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân tổn thương phổi nặng. Sử dụng máy thở chuyên dụng cần có các thiết bị bổ trợ như oxy, khí nén và người sử dụng phải được đào tạo chuyên sâu.
Thông tin vẫn chưa rõ ràng
Vậy loại máy có tên Hummings Plus mà Vạn Thịnh Phát định tặng là máy gì? Sau khi dư luận có những băn khoăn, ông Hồ Quốc Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1 đã cung cấp thêm thông tin cho báo chí, tuy nhiên cũng chưa thực sự rõ ràng.
Theo ông Minh, chiều 31/3, Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đã chuyển tiền qua Nhật Bản để thanh toán tiền mua máy cho Metran và phía đối tác xác nhận đã nhận được tiền; 2.000 máy thở sẽ được chuyển về Việt Nam nhanh nhất trong vòng 1-2 tháng tới.
Cũng theo ông Minh, trong điều kiện bình thường chiếc máy thở do Metran sản xuất có giá khoảng 10.000 USD/chiếc tùy vào chức năng và công năng sử dụng. Số máy tài trợ sẽ mang thương hiệu Humming Plus, “đây là dòng máy mới nhất, sản xuất riêng cho Việt Nam với nhiều tính năng đặc biệt thích hợp để điều trị bệnh Covid-19”.
Tuy nhiên, theo thông tin trước đó từ GS Trần Văn Thọ - Việt kiều tại Nhật Bản và hiện là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì thông tin về loạt “máy thở” của Metran lại có sự khác biệt.
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, GS Thọ đã kết nối với GS Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản và hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Metran, đơn vị chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp. Sau đó, GS Phúc đã quyết định chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam chống dịch. Chiếc máy trợ thở này có đặc điểm “nhỏ, dễ thao tác, giá thành thấp”.
Như vậy số thiết bị y tế mà Vạn Thịnh Phát tặng là máy thở hay chỉ là “máy trợ thở loại nhỏ, dễ thao tác, giá thành thấp”? Với mong muốn cần có những thông tin rõ ràng để dư luận chấm dứt những sự tranh cãi không cần thiết này, PV đã nhiều lần liên hệ với đầu mối Vạn Thịnh Phát, Đại học Văn Lang, Hội Doanh nghiệp quận 1. Tuy nhiên, các đầu mối đều không bắt liên lạc hoặc có bắt máy, có nhận câu hỏi nhưng không trả lời hoặc không trả lời vào câu hỏi.