Vất vả nghề trèo thốt nốt vùng Bảy Núi

(PLVN) - “Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” là câu nói mà nhiều người ví von  về nghề trèo thốt nốt... 


Ở cái xứ sở “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này thì biết làm gì hơn ngoài việc bám chặt vào cây thốt nốt để mưu sinh trong mùa khô hạn.  Ai cũng biết là vất vả, nguy hiểm, thu nhập không cao nhưng người dân nơi đây vẫn cứ miệt mài với cây thốt lốt và xem đó như một phần của cuộc sống nơi dân dã vùng biên.

Mưu sinh mùa khô hạn

Nhắc tới vùng Bảy Núi (gồm 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang), người ta lại nghĩ ngay đến cây thốt nốt. Thốt nốt như một biểu tượng đặc trưng cho vùng đất giáp biên giới Tây Nam – nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống.

Cây thốt nốt cũng khởi đầu cho nhiều món đặc sản của vùng đất này. Nhiều món ăn đều được làm từ nước và trái của cây thốt nốt. Nó mang hương vị đặc trưng khiến nhiều du khách thử một lần là nhớ mãi. Những người dân  nơi đây, đi đâu lâu lâu là lại nhớ hương vị bánh bò thốt nốt, nước thốt nốt, đường thốt nốt… quê nhà.

Ở cái xứ sở Bảy Núi này, tờ mờ sáng mở mắt ra là thấy cây thốt nốt. Đâu đâu cũng là bóng dáng cằn cỗi vươn cao của thốt nốt. Và cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đâu phần nhiều là bám vào thốt nốt.

Thốt nốt như một biểu tượng đặc trưng cho vùng Bảy Núi
 Thốt nốt như một biểu tượng đặc trưng cho vùng Bảy Núi

Thông thường ở nơi đây, người dân sẽ thuê cây thốt nốt để thu hoạch trái và nước. Bình quân từ 12-15 năm, thốt nốt mới cho trái và mỗi cây cao tầm 12-20m. Nhờ có Thốt Nốt mà người dân có thu nhập nuôi sống gia đình trong mùa khô “rảnh rỗi” – không thể canh tác lúa và hoa màu.

Tuy nhiên, để thu hoạch thốt nốt không phải là chuyện dễ dàng. Nghề này rất mạo hiểm và tính mạng có thể đe dọa bất kỳ lúc nào vì phải leo trèo lên ngọn cây cao hàng chục mét nhưng. Nhưng vì miếng cơm manh áo, người dân vẫn cắn răng kiếm sống.

Thời điểm từ tháng Giêng đến khoảng tháng 7 âm lịch là lúc thốt nốt chín rộ nhất và người dân nơi đây lại tất bật với công việc “mưu sinh ở lưng chừng trời”. Mùa này, chạy dọc các tuyến đường chính liên huyện thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, người dân bán nước và trái thốt nốt dày đặc hai bên đường.

Nhìn những trái thốt nốt tròn lẳn, tím sậm bám nhau thành buồng cùng với những chai nước thốt nốt màu vàng sẫm không khỏi khiến nhiều du khách tò mò. Đặc biệt là các du khách nước ngoài. Họ khao khát muốn thử nước và cơm của loại trái sống “giữa trời” - giống như cây dừa “nước treo lủng lẳng trên cao” mà họ từng nếm thử.

Người dân Bảy Núi vẫn miệt mài với nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”.
 Người dân Bảy Núi vẫn miệt mài với nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”.

Tuyến đường lớn đã vậy, dọc vào những nẻo đường nông thôn, 2 bên bờ đều chằng chịt thốt nốt. Chạy chừng vài trăm mét lại có một người leo thốt nốt. Dù đầu mùa, thốt nốt cho nước ít nhưng mọi người cũng tranh thủ lấy nước về để kiếm thêm thu nhập, “có còn đỡ hơn không”. 

Kiếm sống trên “lưng chừng trời”

Nhìn từ xa thấy anh Nguyễn Đăng Khoa (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) đang khệ nệ dắt díu chừng chục chiếc bình nhựa nhỏ từ trên xe xuống và thêm mấy món đồ nghệ dắt ở thắt lưng thì chúng tôi đoán chắc là anh chuẩn bị leo thốt nốt.

Dần dà hỏi thăm thì được biết gia đình anh mưu sinh nhờ cây thốt nốt khoảng 40 năm nay. Bản thân anh đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trèo thốt nốt. Trước đây cha anh leo, sau đó “truyền nghề” lại cho anh. “Nghề này nguy hiểm nhưng cuộc sống ở đây chỉ có thốt nốt thôi, biết làm gì bây giờ”, anh Khoa chia sẻ.

Hiện gia đình anh thuê khoảng 400-500 cây thốt nốt để thu hoạch với giá 50.000 - 70.000 đồng/cây/năm tùy theo cây cho trái và nước nhiều hay ít. Hàng ngày, đều đặn 2 lần sáng và chiều anh Khoa lại hì hục với những cây thốt nốt. Sáng leo lên để đặt bình nhựa cho nước thốt nốt nhiễu vào. Đến chiều lại leo lên thu hoạch và đổi bình khác để sáng hôm sau tiếp tục leo lên lấy nước. Trung bình mỗi ngày anh leo từ 30 – 50 cây, đều đặn thu hoạch từ 50-80 lít nước/ngày.

Theo anh Khoa, để lấy nước thì bông đực và bông cái đều có nước. Bông đực cho nước nhiều hơn nhưng không cho trái còn bông cái vừa cho nước vừa cho trái. “Ví dụ như bông cái một bắp ra được 6 bông mình lấy 1 bông nước, còn 5 bông kia thì cho ra trái. Nó ra bông thì mình sẽ tiến hành kẹp bông. Tuy nhiên bông cái và bông đực phải kẹp bằng 2 loại kẹp khác nhau. Kẹp vào rồi bẻ qua bẻ lại cho nó dập mình mới cho nước còn nó không dập thì không có nước. Một bông gọt đàng hoàng cho nước chừng 30 – 45 ngày mới hết. Bình quân mỗi cây cho 5-15 lít nước/vụ”, anh Khoa nói.

Thốt nốt cao từ 12-20 mét nên công việc này vô cùng nguy hiểm
 Thốt nốt cao từ 12-20 mét nên công việc này vô cùng nguy hiểm

Thấy chúng tôi thắc mắc về mấy lát cây mỏng để trong bình chứa nước thốt nốt, anh Khoa giải thích: “Đó là lát cây sến, để sến vào trong bình thì nước thốt nốt mới ngon, không bị hư, nếu không để thì nước sẽ bị chua”. Dứt lời, anh Khoa tiến tới cây thốt nốt cao chừng 20 mét và thoăn thoắt trèo lên cây. Chỉ trong chốc lát anh đã ngồi trên ngọn cây và bắt đầu lấy những bình thốt nốt đầy nước buộc vào thắt lưng, đồng thời thay bình nhựa mới.

Vừa xong cây bên đây, anh lại chiềng qua cây bên cạnh. Anh bước ngang những cây đòn ngang trên ngọn cây thong thả như đi dưới mắt đất. Anh lại tiếp tục lấy nước thốt nốt buộc vào thắt lưng và leo xuống. Bước xuống, hai tay anh cầm 2 bình nước thốt nốt nhìn màu sanh sánh và mùi vị rất đặc trưng.

Nhìn thì thấy rất đơn giản và nhẹ nhàng nhưng thực sự công việc này  rất khó khăn và vất vả, đồng thời đòi hỏi phải gan dạ và can đảm. Leo một cây đã oải huống chi mỗi ngày leo đến vài chục cây. Tuy nhiên điều đó đã trở thành cuộc sống của không riêng gì anh Khoa mà của nhiều bà con vùng biên Bảy Núi.

Đọc thêm