Vất vả, tràn đầy rung cảm ấm áp

(PLVN) - Có nhiều nữ nhà báo, cuộc đời họ không chỉ gắn với sự nghiệp cầm bút mà còn là tấm gương đẹp trong làng báo với nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong hành trình làm báo của mình. Mỗi nhân vật, câu chuyện của họ không chỉ là con chữ, những thông tin trôi đi mỗi ngày, mà còn là những ám ảnh thôi thúc họ làm việc thiện, say mê hơn với cuộc đời…
CLB Nhà báo nữ Việt Nam hỗ trợ các suất quà dành cho các em học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn
CLB Nhà báo nữ Việt Nam hỗ trợ các suất quà dành cho các em học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn

Những thân phận chạm tới lòng trắc ẩn

Do tính chất công việc của mình, nhiều nữ nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tiếp xúc với nhân vật đã không ít lần rơi nước mắt trước hoàn cảnh đáng thương của nhân vật. Dù câu chuyện về các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn hay trẻ em mồ côi không còn quá xa lạ trên mặt báo. Thậm chí nhiều trang báo đã dành hẳn chuyên mục riêng để phản ánh cuộc sống của họ. Thế nhưng, khi trực tiếp gặp nhân vật của mình, nhiều nhà báo không giấu nổi xúc động.  

Nhà báo Nguyễn Thùy Linh - Báo Điện tử VTC News là một trong những nhà báo được tiếp xúc với nhiều nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt éo le. Đến với từ thiện do nghề nghiệp run rủi, trong quá trình tác nghiệp nhà báo Thùy Linh có dịp đến các cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, bại não... Có lẽ, từ trong những chuyến tác nghiệp ấy, trái tim thương cảm của nữ nhà báo đối với con người, với cuộc đời càng thêm mãnh liệt.

Có lần, khi kể về một bệnh nhi mà chị được gặp gỡ, nhà báo Linh đã chia sẻ: “Nhìn bé trai ấy nằm thoi thóp, miệng tứa máu tươi, mắt ngân ngấn lệ thì tôi không thể đứng vững được nữa. Không kìm được cảm xúc, tôi đã chạy ra đường và òa khóc. Ngày ấy mới theo mảng này nên ít quan hệ, tôi chẳng biết nhờ vả ai để cứu cháu. Không còn cách nào khác tôi đành vừa khóc vừa gọi điện cho cậu bạn thân cũng làm báo để nhờ cậy”.

Nhà báo Nguyễn Thùy Linh không ít lần rơi nước mắt với nhân vật của mình
Nhà báo Nguyễn Thùy Linh không ít lần rơi nước mắt với nhân vật của mình 

Từng làm qua nhiều vị trí như phóng viên rồi trưởng mục theo dõi công nghệ, kinh tế, thị trường, rồi bảo vệ người tiêu dùng, nhưng khi đến với mảng y tế và phải thường qua lại nhiều bệnh viện, chị mới thấy sự ám ảnh, xót xa. Chị nói rằng, nơi bệnh viện, ngó đâu cũng thấy đau khổ, nước mắt, mà thương nhất là những bệnh nhi. Mỗi khi thấy các em co quắp trên giường bệnh, vật vã với chứng nan y thì chị đều không thể cầm lòng được.

Với chị, chính sự say mê nghiệp văn chương, viết lách mà “những người dính líu đến thi ca thường sống bằng lòng trắc ẩn và có chút gì đó yếu mềm” đã khiến chị rung cảm hơn, xúc động hơn với những đau khổ mà nhân vật của chị đang phải chịu đựng. Có lẽ với mối duyên nợ là phóng viên y tế, chị đã đưa ra một quyết định rất đỗi nhân văn, cao đẹp và khiến nhiều người cảm phục, đó là đăng ký hiến mô, tạng. Sự lựa chọn đó của chị cũng hoàn toàn tự nhiên, có chăng là sự đưa đẩy từ chính nghề cầm bút: “Khi bạn làm công việc của tôi, được tiếp xúc với nhiều cảnh ngộ bệnh nhân đáng thương, bạn chắc cũng sẽ làm như tôi thôi”.

Nghiệp cầm bút nối duyên, nhiều nữ nhà báo, phóng viên đã có cơ hội được đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và cảm nhận sâu sắc những khó khăn, bất hạnh của bao số phận trong xã hội. Từ những rung cảm của lòng trắc ẩn, họ đã viết nên những tác phẩm chân thực, phản ánh sâu sắc bao số phận, hoàn cảnh bất hạnh, để công chúng hiểu và đến gần với những phận đời “lá rách” ngoài xã hội.

Nhà báo Hồng Thúy của Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM chia sẻ: “Hơn ai hết, khi tiếp xúc với từng nhân vật, hiểu nỗi đau họ trải qua, lắng nghe những bế tắc, gia cảnh ngặt nghèo của họ, mình luôn cố gắng kể câu chuyện trên sóng một cách chân thật, truyền cảm nhất. Khi hàng triệu thính giả đón nhận, chia sẻ giúp nhân vật ấy vượt qua được cơn khốn cùng, vượt qua ranh giới sống chết thì mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc, đó không chỉ là thành quả lao động của mình, mà còn giúp cuộc sống đẹp hơn”.

Với những nhà báo nữ, mỗi mảnh đời, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện trong cuộc sống không chỉ là chất liệu để họ viết nên tác phẩm, chuyển tải đến công chúng mà còn là chất xúc tác khơi gợi lòng trắc ẩn, tâm hồn đồng cảm với những phận đời không trọn vẹn. Có lẽ, đó cũng chính là điều khiến họ say mê hơn với những chuyến đi, những bài viết, khát khao tìm hiểu cuộc đời với trái tim đầy nhiệt thành và sự rung cảm. 

Những nhà báo nữ luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn với người dân
Những nhà báo nữ luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn với người dân 

Và trái tim thiện nguyện nhân văn

Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh chân thực cuộc sống của những mảnh đời khó khăn qua các tác phẩm báo chí, với nhiều nhà báo nữ, họ luôn khao khát làm được điều gì đó để giúp cho cuộc sống của nhân vật trở nên tốt đẹp hơn. Họ kêu gọi hỗ trợ thông qua mạng xã hội, báo chí, trở thành cầu nối giữa người dân với các nhà hảo tâm và bắt đầu những chuyến thiện nguyện đến với hoàn cảnh khó khăn. 

Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Thu Đông có cơ hội được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh đặc biệt và thường đau đáu với câu hỏi làm gì đó để bà con bớt khổ. Nữ nhà báo cũng là người thường xuyên vận động mọi người cùng tham gia các hoạt động từ thiện hỗ trợ người dân. Chị tham gia hỗ trợ 100 suất vốn với số tiền 200 triệu đồng để quay vòng; tặng quà Tết cho các gia đình nghèo; tham gia chương trình nhịp cầu nhân ái; vận động thành lập câu lạc bộ từ thiện tự nguyện tỉnh Bạc Liêu với gần 40 thành viên...

Khi thực hiện những chuyến thiện nguyện, dù đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng nhiều người vẫn xông pha đến những vùng núi, vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu rõ cuộc sống của người dân và trao những phần quà hỗ trợ đến đồng bào. Với họ, đó mới chính là hạnh phúc của nghề. 

Trong nhiều năm phụ trách chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt” của Đài Tiếng nói TP HCM, nhà báo Hồng Thúy đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xây trường cho trẻ vùng cao, xây cầu nông thôn, mổ tim cho các bệnh nhi, mổ mắt cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn làm ăn cho các gia đình khó khăn,…Trong lần thực hiện công tác thiện nguyện đó, không ít lần nữ nhà báo phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Chị chia sẻ: “Một tháng có khi Thúy phải đi 20 chuyến xa nhà, một năm hơn trăm chuyến. Có nhiều chuyến đi nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Như mới đây nhất là hành trình cứu trợ đồng bào vùng lũ Tây Bắc, đi đến nơi vừa mới trải qua cơn lũ lịch sử, đất đá ngổn ngang, đường đi một bên vực thẳm, một bên núi sạt lở. Bản thân Thúy thấy rất sợ, đêm cũng không ngủ được, lúc nào cũng cầu bình an để còn mang phần quà, phần tiền vào cho bà con đang gặp khó khăn”.

Nhiều chương trình thiện nguyện đã trở thành hoạt động thường niên của các nhà báo nữ. Thông qua phản ánh báo chí và kêu gọi hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, các nhà báo trở thành cầu nối để xã hội biết đến và chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh.

Phóng viên Thùy Linh trong những chuyến tác nghiệp tại vùng sâu vùng xa
Phóng viên Thùy Linh trong những chuyến tác nghiệp tại vùng sâu vùng xa 

Phóng viên Dương Thị Thùy Linh (Đài Truyền thanh - Truyền hình Minh Hóa, Quảng Bình) chia sẻ, khi tìm về những vùng miền khó khăn, tiếp cận thực tế, lấy thông tin và ghi hình, chị đưa lên mạng xã hội kêu gọi sự chung tay góp sức, mỗi người mỗi ít, góp gió thành bão. Có những trường hợp khẩn cấp thì chị chủ động liên hệ trực tiếp với những nhà hảo tâm để tìm nguồn quỹ. Thông qua trang cá nhân, chị lan tỏa hình ảnh khó khăn của đồng bào nơi đây do ảnh hưởng của thiên tai, từ đó  kết nối với nhiều nhóm thiện nguyện trong và ngoài nước để giúp đỡ các gia đình dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam là một trong những tổ chức điển hình với các công tác từ thiện. Không chỉ tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các nhà báo nữ, câu lạc bộ còn thường xuyên tổ chức hoạt động từ thiện đến các địa phương, hỗ trợ các đối tượng, từ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến những người già yếu không nơi nương tựa, những nữ lái xe Trường Sơn, những cựu nữ thanh niên xung phong, Mẹ Việt Nam Anh hùng... với số tiền hỗ trợ lên tới vài tỉ đồng mỗi năm.

Công việc thiện nguyện đã trở thành hoạt động thiết thực gắn bó với công việc của các nhà báo. Chính nhờ mối duyên với nghề, họ đã có cơ hội được đi và viết, được hiểu về những thân phận còn nhiều vất vả, khó khăn. Những hoạt động này đã tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và góp phần chia sẻ khó khăn với những cuộc đời, số phận bất hạnh trong cuộc sống.

Đọc thêm