Váy áo lanh - tinh hoa văn hóa người Mông ở Cao Bằng

(PLVN) - Từ bao đời nay, phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải, một nghề đòi hỏi nhiều công lao động, tính kiên trì và đôi bàn tay khéo léo. Những bộ váy, áo được dệt từ sợi lanh là sản phẩm truyền thống đặc sắc, thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông.
Váy áo lanh - tinh hoa văn hóa người Mông ở Cao Bằng

Vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi có mưa, người Mông bắt đầu gieo hạt lanh. Hạt lanh được gieo dày để cây mọc thẳng và gầy, không có nhiều cành, nhánh vì cây lanh gầy sẽ cho chất lượng vải tốt hơn.

Cây lanh lấy sợi phải được thu hoạch sau khoảng 60 - 70 ngày kể từ ngày gieo hạt. Sau khi thu hoạch, cây lanh được cắt bỏ lá và phơi khô. Từ cây lanh khô, người phụ nữ Mông khéo léo tách thành các sợi.

Người phụ nữ Mông se sợi, dệt vải lanh
 Người phụ nữ Mông se sợi, dệt vải lanh

Sau đó đến công đoạn nối sợi lanh. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và phải có sự kiên nhẫn. Phụ nữ Mông thường quấn quanh bụng và tay những bó sợi và tranh thủ lúc rỗi rãi để nối sợi lanh. Để sợi lanh được chắc hơn, người Mông sáng tạo ra một dụng cụ đặc biệt để se sợi gọi là "che tu". Dụng cụ này yêu cầu phải phối hợp chân và tay một cách nhịp nhàng, cùng một lúc có thể se được 4 - 5 sợi lanh. 

Phụ nữ Mông thường tranh thủ dệt vải vào những lúc rỗi rãi, sau khi đã xong công việc đồng áng và chăm sóc gia đình. Công đoạn dệt vải kéo dài vài tháng, thường bắt đầu từ sau khi thu ngô cho đến tận cuối năm.

Chị Hồng Thị Hoa, xã Quang Hán (Trà Lĩnh, Cao Bằng) chia sẻ: "Phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều được học nghề dệt vải lanh. Một người phụ nữ có tài giỏi,chăm chỉ, khéo léo hay không cũng được đánh giá qua tay nghề dệt vải lanh. Để dệt một bộ trang phục truyền thống của người Mông từ vải lanh có khi mất cả năm trời vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp".

Sản phẩm vải lanh của đồng bào dân tộc Mông
Sản phẩm vải lanh của đồng bào dân tộc Mông

Không chỉ đơn giản được sử dụng để làm trang phục, cây lanh đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa và có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Mông. Việc se đay dệt vải thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, là tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất chị em phụ nữ Mông. Ngoài ra, vải lanh còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Họ tin rằng chỉ có trồng lanh, dệt vải mới giữ được mối liên hệ với tổ tiên của họ.

Trang phục của người Mông được tạo ra từ vải lanh
Trang phục của người Mông được tạo ra từ vải lanh 

Trong những năm gần đây, nghề dệt lanh đang là hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Mông ở nhiều địa phương khi kết hợp với phát triển du lịch. Chị em phụ nữ Mông đã tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới từ sợi lanh như: túi, ví, mặt địu...phục vụ du khách thập phương.

Để nghề trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính quyền các huyện cần có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã dệt vải lanh mở rộng quy mô làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Đọc thêm