Về thăm đền thờ các vị công thần của đất Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các vị quan thanh liêm, danh tướng lẫy lừng là bậc hiền tài, là công thần của nước Việt. Tên tuổi, sự nghiệp của họ mãi lưu danh sử sách và được nhân dân tôn vinh, thờ phụng.
Di tích đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. (Ảnh: Lê Loan)
Di tích đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. (Ảnh: Lê Loan)

Đền thờ Thái sư tài cao, đức trọng

Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh hay đền thờ Đức Thánh Trạng, đền thờ Quan Trạng, ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu với tấm lòng thành kính hướng về bậc hiền tài của đất nước, niềm tự hào vì đó là người con của quê hương Gia Bình. 

Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 02 năm Canh Dần (1050) tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Định, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh – nơi có truyền thống lịch sử vẻ vang lâu đời. Thái sư Lê Văn Thịnh nổi tiếng là người thông minh, hiếu học từ nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ lần lượt qua đời khi ông còn rất trẻ.

Ông đến dạy học ở làng Chi Nhị, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1075, triều đình nhà Lý mở khoa thi Minh kinh Bác học (là khoa thi đầu tiên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thăng Long). Ông đỗ đầu khoa thi, được tôn vinh là Trạng nguyên Khai khoa và được bổ nhiệm làm chức Thị Lang Bộ Binh, phụ trách dạy Vua Lý Nhân Tông học.

Năm 1084, Vua Lý Nhân Tông cử ông đến trại Vĩnh Bình, biên giới Việt Trung (thuộc Cao Bằng ngày nay) để giải quyết vấn đề ranh giới giữa hai nước. Với tài ngoại giao xuất sắc của ông, nhà Tống đã phải trả lại toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng.

Lê Văn Thịnh là ngươi tài cao, đức trọng, có nhiều công lao với đất nước, được triều đình nhà Lý thăng chức Thái sư, là chức vụ cao nhất trong triều. Ông là người có tài, liêm chính, có tư tưởng đổi mới nên bị bọn nịnh thần ganh ghét, tìm cách hãm hại, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ bảo vệ ông. Năm 1096, ông bị vu oan tội “hóa hổ giết vua”.

Trong buổi luận tội, các quan nịnh thần ghen ghét hùa vào bảo tội giết vua phải xử tội chết và chu di cửu tộc. Có một vị quan văn lên tiếng bảo vệ ông “giết vua xử tội chết vậy giết thầy xử thế nào?” Vì vua luôn kính trọng ông, người thầy uyên bác, trọng đức, trọng tài nên đã tha tội chết cho ông và cho đi đày ở Thao Giang, thuộc vùng đất Phú Thọ ngày nay.

Mặc dù bị đi đày nhưng ông vẫn sống cuộc sống có ích cho nước, cho dân. Đến khi già yếu, hơi tàn, sức kiệt ông tìm về quê hương nhưng đến xã Đình Tổ (thuộc Thuận Thành, Bác Ninh) ông trút hơi thở cuối cùng. Khi được tin ông mất, quê hương nội, ngoại của ông và nhiều làng khác đã tôn ông làm Thành Hoàng làng.

Trong số những di tích thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tiêu biểu có đền thờ ông tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Đông Cứu và nhiều làng trong và ngoài huyện Gia Bình đã tôn Trạng nguyên - Thái sư Lê Văn Thịnh làm Thành Hoàng làng để đời đời hương khói phụng thờ tưởng nhớ bậc hiền tài có công với dân, với nước. Trong số những di tích thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tiêu biểu có đền thờ ông tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu. Đặc biệt trong khu di tích còn có tượng rồng đá (xà thần) có niên đại thời Lý, bức tượng này đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-Ttg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đền thờ vị Tể tướng thanh liêm, cương trực

Khoa thi năm Mậu Ngọ (1138), Tô Hiến Thành đỗ Thái học sinh và được Vua Lý trọng dụng, giao cho nhiều việc quan trọng: tháng 10 năm 1141, lên châu Lạng dẹp được loạn Thân Lợi, sau đó, ông đã xin triều đình tha chết cho Thân Lợi và các quân sĩ của ông để tránh đổ máu vô ích. Năm 1159, ông cầm quân dẹp loạn Ải Lao ở phía tây sau đó được phong chức Thái úy. Năm 1161, ông được Vua Lý cử làm Đô tướng đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam để giữ yên miền biên giới (giữa Đại Việt và Chiêm Thành); rồi đánh tan cướp biển ở Thanh Hóa, Nghệ An. Vị thế của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông lớn mạnh, khiến cho nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164. Năm 1167, ông tiễu phạt quân Chiêm Thành thắng lợi, khiến Vua Chiêm đã phải sai sứ thần dâng sản vật địa phương cho Vua Lý cầu hòa.

Đền thờ Tô Hiến Thành ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh ThS. Phạm Kim Thanh)
 Đền thờ Tô Hiến Thành ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh ThS. Phạm Kim Thanh)

Không chỉ giỏi cầm quân dẹp giặc, ông còn giỏi quản lý, thống lĩnh quân sĩ, giúp dân khẩn hoang ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa. Năm 1175, ông được phong chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, chính là chức Tể tướng, quan đứng đầu triều Vua Lý Anh Tông. Quyền cao chức trọng nhưng ông thanh liêm, cương trực, một lòng phò vua Lý Cao Tông khi ấy còn ấu thơ, dựng xây triều chính, từ chối thẳng thừng chuyện đút lót của những ông quan vô lại. Tô Hiến Thành là vị quan thanh liêm, văn võ toàn tài, kinh bang tế thế. Ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi, 1179 niên hiệu Trịnh Phụ Vua Lý Cao Tông – Thái úy Tô Hiến Thành qua đời. Vua Lý Cao Tông cho làm Quốc tang, ăn chay ba ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày để cả nước chịu tang ông. Thật là hiếm có trong lịch sử Đại Việt thời kỳ phong kiến.

Nhân dân ghi nhớ ân đức ông, không chỉ đánh giặc giữ nước, bảo vệ dân mà còn giúp dân khai hoang, lập làng nên dựng đền thờ ông ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh… Đền thờ Tô Hiến Thành ở Sầm Sơn là một trong 72 ngôi đền ở Thanh Hóa thờ ông; tương truyền đền đã có cách nay trên dưới 800 năm. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đền hiện còn giữ được một số hiện vật, đồ lễ: Cỗ kiệu Bát Cống, các câu đối, Đại tự, Chúc văn, Bộ Chấp Sự, Thánh vị, hòm sắc, bát hương, lư hương, hạc đồng… Năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ký Quyết định công nhận đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Đền thờ hai vị danh tướng lẫy lừng

Đền Quan Đại nằm ở thôn La Khê, xã Tiền An, huyện Quảng Yên (Quảng Ninh), thờ hai vị đại thần của triều đình nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai đã chỉ huy quân sỹ cùng nhân dân Quảng Yên đánh đuổi bọn giặc cướp nước và bè lũ tay sai của thực dân Pháp để bảo vệ biên cương, vùng hải đảo thuộc miền Đông bắc của Tổ quốc.

Hậu cung thờ Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai. (Ảnh: Quảng Yên)
 Hậu cung thờ Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai. (Ảnh: Quảng Yên)

Theo sử sách ghi lại, Trương Quốc Dụng là một danh tướng, một nhà văn hóa lớn trong nửa cuối thế kỷ XIX. Năm 1821, dưới triều Minh Mạng, ông thi đỗ Tú tài. Năm 1825 đỗ Cử nhân và đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu (1829). Ông làm quan liên tiếp ở đời Vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như: Lang trung Bộ Hình, Tả thị lang Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Hình, Tả tham tri Bộ Công, Thượng thư Bộ Hình, Phó tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện Đại học sỹ... Sách Đăng khoa lục chép: “Ông tinh thông lý học, các kinh điển lịch gia trước bị thất truyền, ông lại đem truyền học tiếp. Lúc làm quan thì hòa nhã, thường nhàn rỗi ghi chép lại các trước tác, có sách Thoái thực ký văn lưu hành ở đời”… Khi ông mất, Vua Tự Đức đã viết văn viếng ông và ca ngợi ông là một đại thần đủ tài văn võ, vì việc nước, liều tấm thân, hết lòng vì nghĩa; truy tặng ông hàm “Đặc tiến vinh lộc đại phu Đông Các đại học sĩ”.

Còn Tiến sĩ Văn Đức Giai (Văn Đức Khuê) cũng là nhà khoa bảng, tài cao đức trọng, là vị quan thanh liêm, khí tiết, yêu nước. Ông từng làm đốc học 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, rồi làm chức Ngự sử của triều đình. Năm 1861, triều đình cho ông mộ quân nghĩa dũng tòng chinh vào Nam chống quân Pháp. Ông dũng cảm, có cơ mưu trong chiến trận, đánh thắng nhiều trận lớn, được thăng tới chức Bố chính Phú Yên, được Vua Tự Đức ban khen, cho đổi tên là Khuê (viên ngọc quý). Từ đó, ông có tên mới là Văn Đức Khuê. Đầu năm 1863, Triều đình cử ông ra làm Tán lý quân vụ ở quân thứ Hải - Yên (Hải Dương - Quảng Yên) cùng với Trương Quốc Dụng đánh dẹp giặc Tạ Văn Phụng. Trong trận đánh ở đồn La Khê, quân địch mạnh, quân ta ít nên Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai cùng nhiều tướng sỹ đều tử trận.

Truyền thuyết kể lại, sau khi hai ông tử trận, hai con voi của họ đã đưa chủ vào rừng trúc (nơi người dân dựng đền thờ ngày nay), dẫm quang một khoảng rừng trúc để đặt thi thể hai chủ soái rồi nằm phục bên cạnh. Khi nhân dân biết tin ra chôn cất, đã thấy mối đùn lên thành 2 ngôi mộ lớn. Hai con voi cũng nhịn ăn mà chết theo chủ. Để tỏ lòng biết ơn hai vị công thần đã hy sinh vì dân, vì nước, người dân trong làng đã lập đền thờ hai ông, quanh năm hương khói, phụng thờ (đền thờ 2 vị trung thần, nên người dân trong vùng còn gọi là Song Trung từ). Nhân dân trong vùng đã lấy ngày mất của hai ông làm ngày mở hội đền, còn gọi là ngày “giỗ trận” - lễ hội lớn của làng La Khê.

Hiện nay trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của hai danh nhân, như bia ký, sắc phong, ảnh, đồ thờ tự… của 2 vị công thần anh hùng Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai... Năm 2014, đền Quan Đại (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đọc thêm