Trước đó, từ giữa tháng 10/2021, tình trạng mặt đường xuống cấp trên tuyến tránh BOT Cai Lậy xuất hiện, gây nhiều vụ tai nạn. Mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều chỗ sụt lún; một số đoạn ngập nước, hai bên lề đường, vỉa hè chưa được san phẳng. Ngoài ra, nhiều biển báo, cọc tiêu ở trên tuyến bị ngả nghiêng, xiêu vẹo...
Các chỗ hư hỏng nặng xảy ra ở vị trí nút giao với TL868 và khu vực hai bên Trạm thu phí mới (xã Long Khánh, TX Cai Lậy). Ban ATGT Tiền Giang đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị sớm sửa chữa các chỗ xuống cấp của tuyến tránh.
Trả lời báo chí vào cuối tháng 11/2021, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ) cho rằng, ngay sau khi nhận được phản ánh của Tiền Giang, đã yêu cầu nhà đầu tư sớm khắc phục. “Theo báo cáo của nhà đầu tư, đang vào mùa mưa cùng với thời gian dịch bệnh kéo dài, việc khắc phục các hư hỏng bị chậm”, ông Thành nói. Thời điểm đó ông Thành cũng cho hay, nhà đầu tư đang tập kết vật liệu, máy móc khắc phục các đoạn phát sinh nhiều “ổ gà, ổ trâu”, sình lún... “dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 12”. Ngoài tuyến tránh BOT Cai Lậy, các đoạn bong tróc, hư hỏng mặt đường tuyến QL1 thuộc dự án cũng được sửa chữa.
Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng, mới đây một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc quản lý, bảo trì đường, nhưng đến nay chưa thực hiện. Tiến độ xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1 đoạn qua TX Cai Lậy cũng rất chậm, chưa đảm bảo chất lượng. Lý do được đưa ra đã 4 năm qua chủ đầu tư dự án không được thu phí, gặp khó khăn về tài chính nên không thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa đường.
Ngày 17/12, Vnexpress.net dẫn lời một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng đơn vị này đã đề xuất hai phương án xử lý với BOT Cai Lậy. Phương án 1 là tạm thu hồi dự án để sửa chữa, bảo trì tuyến đường. Phương án 2, thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư và thu hồi lại toàn bộ dự án để Nhà nước tổ chức quản lý, khai thác. “Các đề xuất này nhằm sửa chữa tuyến tránh Cai Lậy trước khi được thu phí trở lại và quản lý tuyến đường đảm bảo chất lượng, an toàn giao thông”, vị này nói.
Tuyến đường được khai thác từ tháng 6/2017, đến nay cần phải bố trí lượng kinh phí lớn để sửa chữa. Do đó, Tổng cục Đường bộ đề xuất bảo trì tuyến đường bằng ngân sách trước khi thu phí vào đầu năm sau.
Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện xây dựng trạm thu phí mới, xong trước ngày 31/12; chuẩn bị điều kiện, nhân lực để thu phí ngay khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), Bộ đã quyết định bổ sung thêm trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí phương tiện, tách riêng hợp phần cải tạo QL1. Do vậy, nhiều khả năng dự án sẽ tiếp tục được nhà đầu tư thực hiện theo phương án tài chính đã có, không được Nhà nước thu hồi.
Tuy nhiên, trước khi dự án thu phí trở lại, việc sửa chữa mặt đường tuyến tránh Cai Lậy là “cần thiết, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến”.
Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua TX Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) theo hình thức hợp đồng BOT được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2017, chiều dài 38km; trong đó chiều dài tuyến tránh QL1 đoạn qua TX Cai Lậy là 12km và chiều dài tuyến QL1 cũ là 26km.
Sau khi đi vào hoạt động, nhiều tài xế phản đối trạm đặt sai vị trí nên chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Bốn tháng sau, trạm BOT Cai Lậy dừng thu.
Tháng 8/2019, tỉnh Tiền Giang đề xuất phương án xây thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh BOT Cai Lậy. Với phương án này, trạm thu phí hiện hữu sẽ thu hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường QL1 (đoạn qua Tiền Giang), còn trạm mới thu cho dự án xây tuyến tránh. Trạm nào hoàn vốn xong sẽ được dỡ bỏ.