Vì sao 'cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'?

(PLVN) - Trong một năm có rất nhiều dịp cúng lễ quan trọng nhưng các cụ có câu "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Đây là ngày rằm được mọi người rất chú trọng và cúng lễ chu đáo nhất.


Vì sao 'cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'?

Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng

Theo phong tục cổ, Rằm tháng Giêng được gọi là tết Thượng nguyên, nằm trong hệ thống "Thượng – Trung – Hạ nguyên". Tết Thượng nguyên là Rằm tháng Giêng, tết Trung nguyên là rằm tháng 7 và tết Hạ nguyên là rằm tháng 10.

Rằm tháng Giêng là ngày hướng thiên cầu phúc - ngày Rằm đầu tiên trong năm mới. Tất cả những linh hồn, linh anh may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này. Vì thế, đối với những người theo đạo Phật, trừ ngày mùng 1 Tết thì đây là ngày lễ đầu tiên trong năm; mọi người lên chùa thắp nén nhang, cầu xin một sự may mắn.

Rằm tháng Giêng cũng là Tết Nguyên Tiêu. Theo tích xưa, có một vị vua cứ đến ngày Rằm tháng Giêng là cho mời các Trạng Nguyên vào hầu triều và để nói chuyện đầu năm. Sau khi các quân vào hầu Triều, buổi trưa họ được vua thiết đãi yến tiệc. Thiết đãi yến tiệc xong, buổi tối, vua và các trạng vào vườn Thượng Uyển để ngắm trăng và vịnh thơ. Các ông trạng sẽ thi nhau đọc thơ để cho vua nghe. Từ đó, mọi người coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên Tiêu, là ngày Tết của các vị vua và trạng. 

Tết Nguyên Tiêu chính là ngày rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới. Do vậy, ngày này người Việt cúng lễ tổ tiên trong gia đình.

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng

Theo phong tục xưa, nếu làm đầy đủ thì phải có 5 mâm cúng ở 5 vị trí khác nhau. Một mâm cơm đặt trong nhà, 4 mâm còn lại đặt ở ngoài trời.

Mâm cơm đầu tiên đặt ở ban thờ gia tiên trong nhà, mâm cơm thứ 2 đặt ở hướng Tây hoặc ban thờ Phật, mâm cơm thứ 3 quay về hướng Đông để thờ các vị vua và các vị Trạng để tưởng nhớ câu chuyện của các vị vua và trạng thời xưa, mâm cơm thứ 4 đặt ở hướng Nam để thờ các vị thần tiên (Long thần thổ địa thổ công táo quân…), mâm cơm thứ 5 thờ trời đất đặt ở hướng Bắc hoặc đặt ở giữa.

Tuy nhiên, việc làm mâm cúng không cần thiết phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy. Bên cạnh nhang, đèn, mâm cúng gia tiên có thể cúng bằng bất cứ thứ gì mà gia đình có. Lễ Phật là cúng chay, gia đình không có điều kiện thì chỉ cần một chén nước, đĩa hoa quả nho nhỏ và bánh trôi.

Về cơ bản, mâm cỗ cúng tại gia đình thường gồm những món lễ mặn sau: Bánh chưng là món bánh đặc trưng của ngày Tết của người Việt, tượng trưng cho vạn sự vuông tròn, thuận lợi. Xôi gấc màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Gà lễ là lễ vật mang tính cổ truyền của người Việt. Hoa quả: ngũ quả mang ý nghĩa tốt lành, tùy theo quan niệm của từng vùng miền. Chân giò hoặc giò chả, dưa muối, cơm trắng, nước chấm.

Ngày nay, mọi người có thể thay đổi hoặc thêm 1 số món ăn cho mâm cỗ cúng: nem rán, ram tôm, ba chỉ chiên vàng, bò xào rau củ,...

Đọc thêm