Vì sao phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn phức tạp?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo báo cáo kết quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2018 đến hết quý I/2022, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 2.800 vụ vi phạm, trong đó có 147 vụ vi phạm nổi cộm, có tính chất phức tạp.

Xử lý hơn 2.800 vụ vi phạm về rừng

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 2.856 vụ vi phạm về rừng gồm: 1.516 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, chiếm 53% và 1.340 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm, chiếm 47%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21ha, khối lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng 12.240,5m3.

Trong đó, 147 vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp có tính chất phức tạp, nổi cộm; các vụ việc đều được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định, số vụ vi phạm, đối tượng, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại đã được xử lý nghiêm theo từng năm.

Về việc lấn chiếm đất lâm nghiệp: Giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ 1.410 vụ vi phạm/diện tích 431,8ha.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án/307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52/722ha. Với những sai phạm đã được phát hiện, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi từ năm 2008 đến nay là 208 dự án/30.469ha; gồm 172 dự án thu hồi toàn bộ (22.226ha) và 36 dự án thu hồi một phần (4.242ha) do vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp; trong đó có 260 doanh nghiệp thuê rừng; 49 doanh nghiệp không phải do thuê rừng.

Theo nội dung báo cáo, nguyên nhân dẫn đến xảy ra những vụ việc sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR) bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức trong công tác QLBVR; việc kiểm tra rừng ở một số địa phương còn hạn chế, do đó không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa phương.

Lực lượng chức năng, đơn vị liên quan một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ nên không kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xảy ra vi phạm; các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng còn hạn chế; một số cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng bảo vệ rừng chưa làm tròn nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong công tác QLBVR,...

Công tác điều tra, đấu tranh với các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục; do đó tác dụng phòng ngừa vi phạm chưa cao; các vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng nhưng chưa điều tra rõ để xử lý đối với các chủ đầu nậu, đối tượng cầm đầu, các đường dây, các đối tượng thông đồng, bao che, bảo kê cho hoạt động vi phạm, phạm tội nên chưa tạo tính răn đe, giáo dục.

Tăng cường quản lý, khôi phục diện tích rừng bị xâm hại

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp, đặc biệt với các vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm hoặc gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan (đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu). Cụ thể, đã tiến hành xử lý kỷ luật đối với 13 cơ quan, đơn vị; 161 cá nhân do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật…

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt công tác QLBVR; từ đó nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác QLBVR ngày càng được nâng cao đã khắc phục được một số tồn tại, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác QLBVR…

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được 3.206,75ha rừng, trong đó: trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác 885,16ha; trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 1.783,28ha; trồng rừng từ nguồn vốn ngoài ngân sách 538,31ha.

Tổng diện tích chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2018 đến nay là 10.910ha UBND các huyện/thành phố đã chỉ đạo và tổ chức trồng rừng mật độ thấp trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định với tổng diện tích 2.831,06ha (năm 2021: 1.659,67ha).

Riêng năm 2021, thực hiện Đề án trồng 50 triệu cây xanh, toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại, góp phần nâng cao mật độ rừng, chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cùng với đó, các địa phương đã thực hiện trồng khôi phục tỷ lệ che phủ rừng trên diện tích 1.634,61ha. Trồng rừng trên diện tích đất giải tỏa; diện tích rừng mới bị phá đã được xử lý, thu hồi đất 211,8ha.

Đến nay, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có của tỉnh Lâm Đồng được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật giảm sâu qua các năm cả về 3 tiêu chí số vụ vi phạm, diện tích thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại.

Cụ thể, năm 2021, số vụ vi phạm giảm 190 vụ (giảm 28%), diện tích thiệt hại giảm 9,53ha (giảm 21%), khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 472,217m3 (giảm 19%) so với năm 2020. Quý I/2022, số vụ vi phạm giảm 85 vụ (giảm 63%), diện tích thiệt hại giảm 4,63ha (giảm 62%), khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 215,848m3 (giảm 47%) so với quý I/2021. Giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, toàn tỉnh trồng được 3.206ha rừng trồng tập trung; trồng khôi phục rừng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định quy hoạch lâm nghiệp 2.831,06ha.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cương quyết tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới, công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp để khôi phục lại rừng. Ngoài ra, trong công tác xử lý vi phạm tỉnh Lâm Đồng kiên quyết xử lý các vụ vi phạm, sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không ngoại trừ đối tượng vi phạm, sai phạm là ai”. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm, thiếu trách nhiệm để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm/san ủi/sang nhượng trái pháp luật mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, khôi phục rừng.

Xử lý nghiêm tình trạng phá rừng trái pháp luật

Ngày 27/4 Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng phá rừng trái pháp luật tại hai huyện Đức Trọng và Lâm Hà. Cụ thể, đối với điểm phá rừng ở Lâm Hà, Sở NN&PTNT yêu cầu Công an huyện Lâm Hà sớm thực hiện việc định giá tài sản đối với diện tích rừng trồng thông 3 lá bị cưa hạ tại lô a3, khoảnh 1, tiểu khu 263B, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khẩn trương khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Đối với việc phá rừng xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Sở NN&PTNT Lâm Đồng yêu cầu Công an huyện Đức Trọng tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan trên địa bàn điều tra, xác minh, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm tình trạng phá rừng trái pháp luật tại vị trí trên. Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh tiếp tục bố trí lực lượng quản lý, chăm sóc đối với diện tích 4,56ha đã trồng rừng thông 3 lá tại khu vực bị phá rừng, kiên quyết không để người dân, đối tượng vi phạm phá cây thông trồng và lấn chiếm, canh tác nông nghiệp trái phép.

Trước đó, lực lượng chức năng huyện Lâm Hà đã mật phục tại khu vực khoảnh 1, tiểu khu 263B, phát hiện một số đối tượng đang thực hiện hành vi phá rừng, ghi nhận tại hiện trường có 41 cây thông 3 lá thuộc rừng trồng hơn 20 năm tuổi trên diện tích khoảng gần 1.400m2 đã bị cưa hạ, cắt khúc, tẩu tán. Tại khu vực thuộc khoảnh 7, tiểu khu 267C, thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý), Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đã phát hiện có 14 vị trí phá rừng với tổng diện tích 24.659m2, thuộc đối tượng rừng sản xuất; lâm sản thiệt hại 477 cây gỗ (thông ba lá và dầu trà beng), khối lượng: 47,425m3.

Đọc thêm