Đại diện Đoàn kiểm tra cho rằng, hợp đồng bán tàu của ngư dân cho Indonesia là hợp đồng giả cách để hoàn thiện thủ tục đưa tàu ra nước ngoài, trong khi ngư dân thì chứng minh tàu mình đã bị Cty Đại Dương lừa bán thật. Những ý kiến trái ngược đó không được giải quyết tại buổi họp nên vấn đề khắc phục hậu quả vẫn còn là dấu chấm lửng.
Cấp phép cho công ty “ma” lừa ngư dân?
Trên thực tế các chủ tàu chỉ làm hợp đồng hợp tác dưới hình thức ủy quyền với Cty Đại Dương. Trong Công văn 1321 ngày 06/8/2012 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn ký về việc cấp phép cho tàu hoạt động ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam gửi Cty Đại Dương và các chủ tàu ghi rõ: Xét đề nghị của Cty Đại Dương về việc xin cấp phép cho tàu đi khai thác ở Indonesia, sau khi xem xét hồ sơ đề nghị của các chủ tàu, Cty Đại Dương và các qui định có liên quan, Tổng cục Thủy sản đồng ý cấp giấy phép cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam cho Cty Đại Dương theo ủy quyền của các chủ tàu.
Điều 2 Công văn này nêu, Cty Đại Dương thông báo cho chủ tàu nộp giấy tờ theo qui định của pháp luật.
Ông Ngữ (chủ tàu) phát biểu tại buổi họp hôm 15/12 rằng: “Tôi đã nộp hết giấy tờ tàu theo Công văn này cho ông Dũng - Giám đốc Cty Đại Dương. Còn ông Dũng có làm thủ tục cho tàu chúng tôi đi đánh bắt đúng pháp luật của Indonesia hay không thì chúng tôi không được biết, bởi trong hợp đồng hợp tác chúng tôi đã giao 180.000 USD để ông Dũng làm thủ tục pháp lý của Việt Nam và Indonesia.
Theo hợp đồng này, sau khi ông Dũng giao cho chúng tôi giấy phép của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia thì chúng tôi giao thêm cho ông Dũng 40.000 USD. Vấn đề là nếu ông Dũng có giấy phép của Indonesia thì tại sao tàu của chúng tôi bị bắt? Có phải ông Dũng lừa bán tàu của chúng tôi cho Cty Papua nên Cty này nhờ Cảnh sát biển Indonesia tịch thu tàu chúng tôi?”.
Câu hỏi này được một đại diện Tổng cục Thủy sản trả lời: “Cty Đại Dương không bán tàu của hai ông, những hợp đồng bán tàu này là những thủ tục nhằm giúp Cty Đại Dương hoàn thiện thủ tục đưa tàu hai ông đi khai thác tại vùng biển Indonesia”(?!).
Ông Hon (chủ tàu khác) phát biểu: “Tại sao Tổng cục Thủy sản cấp phép cho Cty Đại Dương tại số nhà 634 nhưng tôi đến đó thì không ai biết Cty Đại Dương là ai cả (ông Hon đưa hình ảnh chứng minh)? Sao có thể nói họ không bán tàu của chúng tôi? Tôi qua tận Indonesia tìm thì thấy tàu của mình đã được đăng ký tại Văn phòng đăng ký tàu biển Jakarta. Tôi nhờ Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia dịch sang tiếng Việt giấy đăng ký này. Ông Hon trình ra bản dịch giấy đăng ký tàu của ông tại Jakarta”.
Về Cty Đại Dương, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang phát biểu: “Sau khi Cty Đại Dương xuất hiện tại Kiên Giang để kết nối với chủ tàu đưa tàu đánh cá đi khai thác ở vùng biển nước ngoài, với trách nhiệm và thẩm quyền, Phòng An ninh Kinh tế đã xác minh tại Công an tỉnh Bình Định và kết quả là Cty Đại Dương từ năm 2009 đến năm 2011 không báo cáo thuế và không hoạt động!”.
Rồi đề nghị tìm cách "tháo gỡ"
Thấy tình hình buổi làm việc giữa các chủ tàu, các ban ngành địa phương và thành viên của Đoàn công tác căng thẳng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Anh Nhịn phải lên tiếng để giữ hòa khí: “Thời gian có hạn, vấn đề rất phức tạp vì có yếu tố nước ngoài, Công an đã khởi tố vụ án để điều tra, ai đúng, ai sai phải chờ kết luận từ Công an. Buổi họp hôm nay mời tất cả các bên liên quan đến để Đoàn tìm hiểu nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Chúng ta cãi nhau thì 4-5 ngày chưa hết chuyện”.
Lúc này, một thành viên trong Đoàn kiểm tra nêu ý kiến: Đoàn tìm hiểu và mong muốn hai bên (chủ tàu và Cty Đại Dương - PV) “cùng tìm cách tháo gỡ trên tinh thần hợp tác. Các anh (hai chủ tàu - PV) đưa ra con số 40-50 tỷ thì vấn đề chuộc tàu về xem ra khó khăn”!
Sau ý kiến của vị đại diện này thì buổi họp đi vào phần kết thúc. Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám phát biểu về tình hình kiểm tra Chỉ thị 689 và Công điện 1329. Ông Tám nhấn mạnh: “Thực tế mới triển khai chủ trương đưa tàu cá Việt Nam ra đánh bắt ở vùng biển nước ngoài nhưng đã gặp nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Vai trò quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, sự cố 4 tàu cá tại Kiên Giang là một vấn đề lớn bởi liên quan đến nước ngoài. Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, bộ phận nào, sở, ban ngành nào có vi phạm thì phải kiểm điểm”.
Đặc biệt, ông Tám nói: “Vụ 4 tàu cá của Kiên Giang tôi không muốn hình sự hóa, hiện Công an đã khởi tố vụ án thì chúng ta phải chờ kết quả điều tra từ Công an mới biết tổ chức nào, cá nhân nào sai đến đâu... Nhưng trong thời gian này, chúng ta không phải ngồi chờ kết luận từ Công an, các ban ngành phải tích cực tìm biện pháp khắc phục hậu quả trong thẩm quyền của mình”.
Trao đổi với PLVN, các ngư dân bức xúc cho rằng họ không biết như thế nào gọi là “hình sự hóa”, chỉ có một sự thật là họ đã phải chi tiền tỷ để có giấy phép của Tổng cục Thủy sản, thế mà rồi “mất cả chì lẫn chài”. Số tiền này Giám đốc Cty Đại Dương có “ẵm” được một mình không? PLVN sẽ theo dõi diễn biến tiếp theo của vụ việc để thông tin đến bạn đọc.