Vì sao TP HCM muốn tái lập đội quản lý xây dựng?

(PLVN) - Việc thiếu cơ quan này đã tạo ra “khoảng trống” trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và chính quyền địa phương - là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng trái phép ngày càng tăng. 
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: Trung Sơn/VnExpress
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: Trung Sơn/VnExpress

Quản lý lỏng lẻo, vi phạm tràn lan

Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Lê Hòa Bình vừa thông tin, tình trạng xây dựng trái phép tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức, quận 13, Hóc Môn... trong thời gian qua diễn ra rất nghiêm trọng. Mới đây nhất là trường hợp của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức cùng người thân xây dựng 7 công trình không phép. Mặc dù Sở Xây dựng có phát hiện, ra các quyết định xử phạt hành chính nhưng thực thi chưa đầy đủ, chưa nghiêm. 

Ông Bình nhìn nhận: “Đây là bài học sâu sắc của Sở Xây dựng. Nguyên nhân để xảy ra sai phạm các công trình xây dựng liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều chủ thể, trong đó có tư vấn, giám sát, nhà thầu, chủ đầu tư… Mặt khác, sai phạm xảy ra cũng do chính quyền cấp cơ sở quản lý lỏng lẻo, một số cán bộ, công chức chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, xử lý không kiên quyết, không triệt để, có tiêu cực. Bên cạnh đó, ở một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, cấp xã còn khác biệt…”. 

Theo ông Bình, trước đây, TP từng có lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận huyện và xã, phường theo Quyết định 89 của Thủ tướng từ năm 2007. Tuy nhiên, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 26 quy định thanh tra xây dựng chỉ có hai cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Lực lượng thanh tra xây dựng tại TP phải sắp xếp lại, trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng với hơn 1.000 biên chế. Ở cấp quận, phường chỉ còn các Đội trật tự đô thị phụ trách các vấn đề về trật tự lòng đường, vỉa hè. Việc này đã tạo ra “khoảng trống” trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và chính quyền địa phương - là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng trái phép ngày càng gia tăng. 

Xử lý dứt điểm 100% công trình vi phạm 

Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, tới đây, 100% công trình xây dựng trên địa bàn TP sẽ được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật Nhà nước, công trình quốc phòng, an ninh). Đảm bảo mục tiêu 100% công trình vi phạm hành chính sẽ được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm qua từng năm. Nếu ngay từ đầu các vụ việc được xử lý một cách kiên quyết thì sẽ không thể xảy ra hậu quả đáng tiếc, khiến có dư luận không tốt cho công tác quản lý.  

Để làm được điều này, ông Bình cho biết, TP sẽ tái lập các Tổ công tác để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Đây là bước để chuyển Đội Thanh tra địa bàn (thuộc Sở Xây dựng) thành Đội Quản lý trật tự đô thị xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, tương tự mô hình trước đây, theo Đề án mà TP HCM đã trình Thủ tướng cho phép thí điểm.

Về cơ chế phối hợp, thành lập, ông Bình cho biết, Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ trưởng. Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và thực hiện công tác phối hợp, tham mưu UBND quận, huyện trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.

Về trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng: không có giấy phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch; xây trên đất không được phép... 

Tổ công tác (do Phó Chủ tịch UBND quận, huyện làm Tổ trưởng) kiểm tra, xử lý các công trình nhà ở riêng lẻ, công trình do UBND cấp huyện cấp phép; dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình, bộ phận công trình xây dựng phát sinh sau khi công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo Giấy phép xây dựng do UBND cấp huyện cấp hoặc đã được cập nhật Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản; công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở hoặc khu đô thị...

Riêng Thanh tra Sở Xây dựng xử lý các công trình do Sở Xây dựng cấp phép hoặc thẩm định, phê duyệt; công trình do các Bộ và cơ quan ngang Bộ duyệt, do các Sở chuyên ngành duyệt; công trình được miễn giấy phép xây dựng...

Về hoạt động của Tổ công tác, ông Bình cho biết, đầu tháng 11/2019 sẽ triển khai chính thức việc ký kết liên tịch nhằm tăng cường nhân lực, chủ động phối hợp giữa Đội Thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo UBND quận huyện… 

Đọc thêm