Vị tướng trở về từ 'cõi chết' và bí mật bất ngờ sau nửa tờ tiền 50 đồng

(PLVN) - Những chiến công, những tấm gương, những câu chuyện của những người lính sẽ tiếp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. 

Chiếc radio và vị tướng trở về từ “cõi chết”

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ chiếc radio (số đăng ký BTQĐ: 9350-K1-1066) của Thiếu tướng Trần Văn Trân - nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận 719, chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Chiếc radio ấy do tướng Hoàng Văn Thái tặng ông vào năm 1968 khi Thượng tá Trần Văn Trân được triệu về Bộ chỉ huy miền ở Lộc Ninh để nhận chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1.

Chiếc đài sau đó đã theo ông đi khắp các chiến trường. Ngày được tin ông hy sinh, bà Võ Bích Hà, vợ ông đã đặt chiếc radio lên bàn thờ. Chỉ sau này bà mới biết, chính trong thời gian đó, ông vẫn đang sống và hoạt động trong nhà tù của địch...

Chiếc đài kỷ vật của Thiếu tướng Trần Văn Trân được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiếc đài kỷ vật của Thiếu tướng Trần Văn Trân được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Năm 1970, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Trần Văn Trân được lệnh cơ động xuống đồng bằng chiếm lại vùng Bẩy Núi (An Giang). Để chuẩn bị cho trận đánh lớn, một bộ phận từ biên giới Campuchia vượt sông đi trước. Còn ông cùng mấy anh em trinh sát và một trung đội đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị đánh lớn. Hôm đó, địch lùng sục gắt gao.

Trên trời máy bay, dưới sông ca nô quần đảo  liên tục. Phía trước, dọc kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang) cứ cách 1 km lại có một trạm gác của lính bảo an dày đặc. Chờ mãi, đến sẩm tối, nghe tiếng ca nô thưa dần, Sư trưởng Trân quyết định vượt kênh. Mặc độc chiếc quần xà lỏn, ông cùng một số anh em men ra phía bờ kênh, nhưng không may bị lọt vào ổ phục kích của một đại đội biệt kích Mỹ ém sẵn ở đó. Ông chỉ huy đánh trả. Quân ta ít, lực lượng địch quá đông, hầu hết anh em đều hy sinh và bị thương.

Khi bị thương nặng, Thượng tá Trân quờ tay sang bên cạnh, thấy đồng chí y tá đi theo bị trúng đạn đã tắt thở. Biết sẽ bị bắt, ông với lấy túi thuốc của người y tá quàng lên người. Bọn địch đến gần, kiểm tra phát hiện thấy ông còn thở, nên đưa ông về Cần Thơ. Chúng thu được trên người ông một khẩu CKC, một túi y tá có cao hổ cốt, cao khỉ với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Thương, Thượng sỹ đông y.

Một thời gian sau, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục nhận được giấy mật báo từ cơ sở cách mạng ở Cần Thơ. Giấy viết mấy chữ nguệch ngoạc: “Hiện trong nhà tù Cần Thơ có một tù binh tên là Thương, có em là Viên, Uynh. Nghĩ mãi, cuối cùng ông Phạm Hùng cũng luận ra đó chính là Sư trưởng Trần Văn Trân, vì Viên là Chính uỷ Sư đoàn 1, Uynh là Sư đoàn phó Sư đoàn 1”. “Không thể để địch biết Trân là cán bộ cao cấp”, ông Hùng ra lệnh phải nghi binh, cho đơn vị làm lễ truy điệu Sư trưởng Trân bình thường, đồng thời thông báo về gia đình biết và cấp chế độ liệt sỹ.

Tại nhà tù Cần Thơ, Thượng tá Trần Văn Trân được đồng đội tin cậy giao trọng trách Bí thư Chi bộ nhà tù. Không chỉ bị giam ở Cần Thơ, sau một lần đấu tranh, toàn trại Cần Thơ tuyệt thực, 800 tù binh bị chúng đày ra Phú Quốc, Sư trưởng Trân bị đưa về nhà tù Hố Nai - Suối Máu. Ba năm bị bắt làm tù binh, hơn 1.000 ngày trong nhà tù của địch, ông Trân bị địch hết tra tấn lại tìm mọi cách thử nhưng không phát hiện ra ông là cán bộ cấp cao. Ngày 18/3/1973, Sư trưởng Trần Văn Trân được địch trao trả tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Cởi bỏ quần áo tù, ông bơi một mạch sang bờ Bắc sông Thạch Hãn, không qua trạm liên hợp. Tại đó, xe và cán bộ của Quân khu 4 đã chờ sẵn. Anh em đưa ông về Bộ Tư lệnh B5. Lúc xe chạy vụt đi, bọn địch mới phát hiện được ông là cán bộ cao cấp, chúng biết đã trao trả nhầm nhưng đã muộn.

Thiếu tướng Trần Văn Trân
Thiếu tướng Trần Văn Trân

Tháng 11/1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 341, ông nhận quyết định Sư đoàn trưởng. Trước khi về đơn vị, Sư trưởng Trần Văn Trân về thăm gia đình, lúc đi ông mang theo chiếc radio mà tướng Hoàng Văn Thái tặng. Ngày 15/2/1975, ông chỉ huy Sư đoàn hành quân vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 nằm trong đội hình Quân đoàn 4. Đơn vị cùng đơn vị bạn tấn công phá vỡ tuyến phòng thủ Xuân Lộc, nổ súng tấn công Trảng Bom… góp phần mở cách cửa phía Đông Sài Gòn để đại quân ta tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1976, ông Trần Văn Trân được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn 4. Năm 1979, ông giữ chức Phó viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt. Năm 1985, ông là Tham mưu phó, sau là Tham mưu trưởng Mặt trận 719, chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Cũng năm này, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1995, ông nghỉ hưu và qua đời năm 1997.

“Chìa khóa” bí mật của nửa tờ tiền 50 đồng

Trong không gian trưng bày tại tầng 1 Bảo tàng Đặc công có một kỷ vật đặc biệt. Đó là nửa tờ tiền 50 đồng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có màu tím nhạt, số sêri 258912 (số đăng ký BTĐC: 105-Gi-32). Tờ tiền này được tiếp nhận từ năm 1976 do bà Võ Thị Sang, vợ liệt sĩ Đặc công Biệt động Trần Văn Miêng trao tặng. 

Tờ tiền 50 đồng là hiện vật có số đăng ký 105-Gi-32 được lưu giữ tại Bảo tàng Đặc công
Tờ tiền 50 đồng là hiện vật có số đăng ký 105-Gi-32 được lưu giữ tại Bảo tàng Đặc công

Năm 1965, sau những thất bại nặng nề trên chiến trường, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh Cục bộ” ở miền Nam và gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nước ta. Hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu đã đổ bộ vào miền Nam. Bên cạnh đó, Mỹ còn tăng cường các phương tiện chiến tranh trong năm 1967 gấp từ 2-5 lần so với năm 1965. 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu trong giai đoạn mới, đòi hỏi lực lượng vũ trang và nhân dân ta trong đó có Binh chủng Đặc công cũng phải gấp rút hoàn thành mọi công tác chuẩn bị xây dựng lực lượng đón thời cơ chiến lược mới.

Khi ấy, đơn vị A20 thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn do đồng chí Đỗ Tấn Phong (Ba Phong, sau này là Anh hùng LLVTND) và đồng chí Hai Sang chỉ huy được thành lập. Đơn vị A30 ra đời do đồng chí Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy, đồng chí Tư Địch, Võ Văn Thanh, Hai Trí lần lượt làm Chính trị viên. Đơn vị A20 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí. Còn đơn vị A30 có nhiệm vụ chuyên xây dựng hầm bí mật dùng để ém quân và cất giấu vũ khí.

Trần Văn Miêng là một chiến sĩ tự vệ TP Sài Gòn thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong một trận đánh, ông đã bị địch bắt, giam giữ tại nhà tù Phú Quốc và bị tra tấn dã man. Do không có chứng cứ, địch buộc phải thả ông trở về Sài Gòn, móc nối hoạt động trong lực lượng J9 thuộc đơn vị A30, Biệt động Sài Gòn do đồng chí Ngô Thanh Vân và đồng chí Nguyễn Văn Trí chỉ huy. Trần Văn Miêng lấy vợ tên là Võ Thị Sang quê gốc ở Đà Lạt. Để hoạt động hợp pháp trong lòng địch, với nghề nghiệp y tá, hàng ngày ông đi tiêm thuốc dạo khắp nơi để trinh sát và thu thập tin tức.

Được tổ chức phân công nhiệm vụ xây dựng hầm bí mật chứa vũ khí, lượng nổ chuẩn bị cho các trận đánh, Trần Văn Miêng phải bán ngôi nhà cũ ở xóm Chùa Tân Định, đến mua ngôi nhà số 384/38B ấp Bác Ái, xã Bình Hòa (nay là phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM). Nhân lúc vợ sinh con thứ 2, ông đưa vợ về quê ở Đà Lạt để mình ở lại Sài Gòn tiện việc đào hầm chứa vũ khí, đạn dược và thuốc nổ bảo đảm được yếu tố bí mật. Khi vợ đưa con lên Sài Gòn, ông chuyển sang nghề bán bong bóng ở ngoại thành như Thủ Đức, Lái Thiêu, Bình Chánh... để trinh sát, thu thập tình hình địch. Từ đó, mọi người gọi ông là ông Ba bong bóng.

Mặt sau nửa tờ tiền 50 đồng - “chìa khóa” của kho vũ khí dưới hầm nhà của biệt động Trần Văn Miêng
Mặt sau nửa tờ tiền 50 đồng - “chìa khóa” của kho vũ khí dưới hầm nhà của biệt động Trần Văn Miêng

20 ngày trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, trong lúc đi trinh sát cùng đồng đội, ông Miêng bất ngờ bị tai nạn, được mọi người đưa vào nhà thương Bình Dân. Do vết thương quá nặng, biết mình không thể qua khỏi, lúc hấp hối, ông gọi vợ đến bên cạnh, đưa cho bà chiếc túi ni lon nhỏ gói nửa tờ tiền 50 đồng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và trăng trối: “Tôi có một gia tài rất quý là nửa đồng bạc này, mình cố gắng giữ gìn cẩn thận, dù có chết cũng không được để mất. Chừng nào anh Hai Trí về, mình giao lại hầm cho anh. Còn nếu người khác đến lấy, người ấy phải đưa một nửa tờ bạc còn lại khớp với nửa tờ bạc này thì mình hãy giao ngôi nhà của mình cho người đó và chỉ họ biết hầm vũ khí dưới chân giường của nhà ta...”. Lúc ấy, bà Sang mới biết dưới nền nhà mình có một kho vũ khí lớn.

20h ngày 31/1/1968, trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, một đồng chí Biệt động đến đưa nửa tờ bạc khớp với nửa tờ bạc còn lại của bà Sang. Kho vũ khí dưới hầm nhà được giao lại cho đơn vị Biệt động. Toàn bộ số vũ khí này được bảo quản rất tốt và sử dụng để tấn công vào cổng số 5 của Bộ Tổng Tham mưu ngụy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Đọc thêm