Tôi và anh cưới nhau được ba năm thì mâu thuẫn bắt đầu phát sinh, kể từ đấy chúng tôi sống ly thân. Lúc ra tòa giải quyết việc ly hôn thì bé Mít- con gái của chúng tôi chưa đầy hai tuổi.
Vì sau khi cưới chúng tôi ở cùng với bố mẹ chồng nên tài sản chung chẳng có gì để mà tranh giành. Tòa cho phép tôi được nuôi con, anh có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mỗi tháng một triệu rưỡi. Tuy nhiên, đến nay con gái tôi chuẩn bị vào lớp một, vậy mà chưa lần nào cháu nhận được một đồng cấp dưỡng từ bố. Anh cũng chẳng một lần ngỏ lời với mẹ của con gái mình cho anh khất số tiền này. Thấy anh đang thất nghiệp, tôi cũng không nỡ đòi hỏi.
Sau khi ly hôn tôi được anh ruột mua cho một căn hộ chung cư gần nơi làm việc. Nhà tuy không rộng rãi nhưng vô cùng thoáng mát và thuận tiện cho cả việc đi làm của tôi và việc học của con gái.
Biết tin tôi có nhà mới, anh lấy cớ đến thăm con gái rồi nhiều hôm ở lỳ trong phòng ngủ của tôi. Đến giờ ăn cơm, mặc dù tôi không mời nhưng anh vẫn tự nhiên ngồi vào mâm, như thể anh đang là thành viên chính trong gia đình nhỏ của tôi.
Vì con gái, mới đầu tôi còn bỏ qua, nhưng càng về sau anh càng tỏ ra thô lỗ hơn. Nói sáng ý không được, tôi đành thẳng tuột với anh rằng: từ nay anh đừng đến quấy rầy mẹ con tôi nữa. Không ngờ anh lại vin vào bảo bối “quyền thăm con” để hoạch họe tôi và còn thách đố tôi nữa.
Gần đây, tôi nghe một số bạn bè nói là anh đang ngập trong nợ nần, cờ bạc, thậm chí anh còn “chơi” cả ma túy. Mọi người khuyên tôi nên đề phòng một con người không đàng hoàng như vậy.
Ảnh minh họa từ Internet |
Do được mách bảo trước, tôi về quê đón mẹ xuống ở cùng để anh không thể làm khó tôi được nữa. Nhưng sự có mặt của mẹ tôi cũng chẳng thay đổi được gì. Anh vẫn thường xuyên qua lại nhà tôi, nhiều khi con gái không có nhà anh cũng đến. Tôi và mẹ không mở cửa cho anh thì anh đứng ngoài la lối, kể lể với những người xung quanh rằng tôi đang tước đoạt quyền làm cha của anh, rằng tôi không muốn cho con gái của mình được gặp bố nó. Khi cho anh vào nhà thì anh lại nằm thườn ra bộ ghế sô pha rồi bật ti vi lên xem, khách của tôi vào anh cũng mặc kệ.
Không còn cách nào khác, tôi đành “xuống nước”, xin anh không đến nhà tôi nữa, khi nào muốn thăm con thì anh gọi điện báo trước, tôi sẽ đưa con ra công viên hoặc quán cà phê nào đó gần nhà cho bố con gặp nhau. Nếu anh giữ lời hứa, tôi sẽ “miễn trách nhiệm” cho anh, không cần anh phải chu cấp nuôi con (bởi thực ra tôi đủ khả năng để nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành). Nghe tôi nói, anh đồng ý ngay.
Nhưng cũng chỉ được hơn một tháng, sau đó anh lại tiếp tục đến gõ cửa nhà tôi. Biết tôi có tiền, mỗi lần đến anh đều xin tôi từ vài trăm nghìn đến một triệu, lúc thì nói là để mua đôi giày, khi thì bảo làm hồ sơ xin việc…Để không bị làm phiền, tôi đành miễn cưỡng rút tiền đưa cho anh.
Được đằng chân thì anh lại lân đằng đầu, những lần sau anh không xin tiền trăm nữa mà xin hẳn vài triệu. Tôi điên tiết, hét vào mặt anh rằng khả năng chịu đựng của tôi cũng có hạn, tôi còn phải dành tiền nuôi con. Thấy tôi giận dữ, anh quay mặt ra về.
Tôi tưởng anh đã thay đổi tính nết, nào ngờ khi không xin được tiền của tôi thì anh quay ra ăn trộm đồ trong nhà tôi. Đó là những lọ hoa pha lê đắt tiền, là những đồ lưu niệm giả cổ mà tôi mang từ nước ngoài về. Thậm chí anh còn lấy cắp cả chiếc đồng hồ đeo tay và chiếc kính râm tôi vẫn dùng hàng ngày. Nói thật là tôi chăng tiếc mấy thứ đó, nhưng tôi thực sự khó chịu về cách đối nhân xử thế của anh.
Để tránh rắc rối về sau, tôi nhờ chính quyền can thiệp nhưng không giải quyết được bởi anh ấy viện cớ đến thăm con. Trước mặt cán bộ công an phường anh ấy còn hùng hồn tuyên bố: tòa án đã cho phép anh ta được phép đến thăm con, không ai được quyền ngăn cản. Nếu tôi cố tình gây khó, anh ấy sẽ đề nghị tòa thay đổi người nuôi con (mà điều này tôi hoàn toàn không muốn).
Lòng tôi đang rối như tơ vò, tôi không biết mình có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của anh ấy được không?./.