Ánh sáng hy vọng
Trang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Y Thái Nguyên. Sau khi bố mẹ qua đời bởi tai nạn giao thông thảm khốc, Trang cùng em gái được gửi ở nhà một người họ hàng. Vượt qua nỗi đau mất người thân, Trang ngày ngày nỗ lực học hỏi và đỗ vào Trường ĐH Y Thái Nguyên với số điểm cao, nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ trong tương lai có thể cứu chữa cho nhiều người, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Thế nhưng, điều không may lại lần nữa ập đến với em. Năm 2017, khi vừa tròn 22 tuổi, Trang phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư tuyến nội mạc tử cung - một căn bệnh hiếm gặp với một cô gái chưa có gia đình và con cái. Lúc biết kết quả chẩn đoán, Trang rất buồn và sốc. Không chỉ em mà những người thân rất lo lắng về sức khỏe của em, về khoản kinh phí điều trị sẽ vô cùng lớn trong thời gian tới.
Bởi trước đó, vì hoàn cảnh khó khăn, Trang thường phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ học, phụ giúp gia đình bác nuôi việc nhà như lấy củi, hái chè, làm ruộng… để trang trải cuộc sống. Sau khi bác trai mất vì bệnh nặng, một mình bác gái tần tảo nuôi 2 chị em Trang ăn học, vì thế khi Trang mắc bệnh hiểm nghèo, nỗi lo về kinh tế thực sự trở thành một gánh nặng với tất cả mọi người.
Là một cô gái dũng cảm, nên sau ít ngày hoảng loạn, Trang đã xốc lại tinh thần và đứng dậy chiến đấu với số phận. “Em có niềm tin rằng mình sẽ khỏi bệnh, miễn là em cố gắng, không bỏ dở điều trị. Ngay sau đó, em bảo lưu kết quả học tập, bước vào cuộc chiến với bệnh ung thư với những đợt xạ trị và truyền hóa chất” – Trang chia sẻ. Chính vì thế, bảo hiểm y tế (BHYT) đã thực sự là “ông Bụt” trong cuộc đời, khi chi trả toàn bộ cho quá trình điều trị của em. “Em nhẩm tính, quá trình điều trị của em lên tới gần trăm triệu đồng. Nếu không có BHYT giúp đỡ, gia đình em không biết sẽ phải vay mượn ở đâu và khi nào mới có thể trả hết được. Không còn phải lo lắng quá nhiều, em chỉ tập trung điều trị” – Trang cho hay.
Đến nay, sau quá trình điều trị tích cực, Trang đã có thể trở về cuộc sống bình thường với các chỉ số xét nghiệm ung thư trở về mốc “an toàn”. Hàng tháng em chỉ cần đi khám định kì để theo dõi sức khỏe.
Trang vui mừng: “Giờ em khỏi bệnh rồi, em có thể trở về đi học tiếp. Em còn 2 năm nữa sẽ tốt nghiệp, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi vẫn luôn được em ấp ủ. Em sẽ cố gắng hết sức. Em muốn nhắn gửi tới mọi người rằng, cho dù có gặp khó khăn gì, hãy nỗ lực vượt qua. Đặc biệt đối với các bệnh nhân ung thư, luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào bác sĩ cũng như những tiến bộ của y học. Với bệnh tật, tinh thần quyết định 50% chiến thắng, còn lại là sự chia sẻ của người thân, sự hỗ trợ của thuốc men và nếu có BHYT thì đó sẽ là chỗ dựa vững chắc. Như với em, tấm thẻ BHYT chính là “tấm bùa hộ mệnh”, là ánh sáng hy vọng giúp em viết tiếp ước mơ của mình…”.
Cho em yên tâm đến trường…
Chính ý nghĩa thiết thực mà BHYT mang lại, thời gian qua, công tác BHYT học sinh sinh viên (HSSV) luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai BHYT HSSV và đã đạt được kết quả quan trọng, số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều tăng. Trong đó, nhiều HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhờ có thẻ BHYT mà các em đã chiến thắng bạo bệnh, tiếp tục đến trường, viết tiếp những ước mơ còn dang dở.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 20/8/2019, tại các cơ sở KCB trên cả nước đã tổ chức khám bệnh BHYT cho hơn 4,7 triệu lượt HSSV (hơn 3,4 triệu ngày điều trị) với tổng số chi phí 1.781 tỷ đồng, trong đó BHYT thanh toán là 1.422 tỷ đồng.
Tính từ ngày 01/7 đến 31/7/2019, các trường hợp HSSV được Quỹ KCB BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú từ 100 triệu đồng trở lên là 512 lượt. Trong đó, 499 lượt KCB được thanh toán chi phí từ 100 - 500 triệu đồng/đợt, 13 lượt KCB được thanh toán chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị. Có 2 bệnh nhân được BHYT thanh toán chi phí KCB trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại là hiện vẫn còn một bộ phận HSSV, nhất là sinh viên năm thứ hai trở đi vẫn thờ ơ với việc tham gia BHYT. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khuyến cáo, BHYT HSSV là một chính sách xã hội lớn của Nhà nước, mang đến nhiều lợi ích cho các đối tượng tham gia, do đó, nó thực sự cần thiết và quan trọng đối với môi trường học đường. Do đó, HSSV và phụ huynh cần nhận thức rõ vai trò của BHYT trong đời sống hàng ngày vốn ẩn chứa không ít rủi ro. Bên cạnh đó, nhà trường và các cơ sở đào tạo cũng cần đề cao công tác tuyên truyền, vận động, tác động vào nhận thức của sinh viên và phụ huynh.