Vĩnh Long: Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022 và đề ra giải pháp cũng phương hướng 6 tháng cuối năm.

Theo Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, kiến trúc dịch vụ đô thị thông minh đồng bộ, thống nhất và tập trung; hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số từng bước được cải thiện. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho trang thông tin điện tử của 18 sở, ban, ngành tỉnh và 107 xã phường, thị trấn; mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh; 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã được triển khai đồng bộ thiết bị tường lửa bảo đảm an toàn thông tin có hệ thống mạng LAN. Ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, môi trường đạt một số kết quả khả quan.

Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân để cùng thúc đẩy thực hiện tốt công tác chuyển đổi số.

Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân để cùng thúc đẩy thực hiện tốt công tác chuyển đổi số.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cần phải có trách nhiệm hơn trong công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, có kế hoạch cụ thể gắn công tác chuyển đổi số với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở đơn vị, địa phương; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ, công chức, người lao động về chuyển đổi số hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân để cùng thúc đẩy thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; các ngành, địa phương cần tăng cường sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng dùng chung đã đầu tư xây dựng; tập trung đầu tư thêm những phần mềm mới để mở rộng khả năng ứng dụng trên nhiều lĩnh vực; tăng cường sử dụng chữ ký số, văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, giao dịch thương mại, du lịch.

Đọc thêm