Để thực hiện được mục tiêu trên, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực; ban hành và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với từng giai đoạn.
Cùng với đó, chủ động về quỹ đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển lao động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng, có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến nay, tỉnh có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích trên 5.200ha, 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600ha. So với các tỉnh có cùng lợi thế lân cận thì Vĩnh Phúc nhiều hơn Bắc Ninh 2 khu và nhiều hơn Thái Nguyên 12 khu công nghiệp. Tất cả các khu, cụm công nghiệp đều có vị trí thuận lợi, nằm dọc các trục quốc lộ, tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao, trong đó, có 15/32 Cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động.
Cùng với các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp được đẩy mạnh phát triển đã thu hút được lượng lớn lao động vào làm việc, giải quyết rất lớn số lao động ở trình độ phổ thông, lao động nông thôn trong quá trình chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Theo số liệu thống kê lực lượng lao động làm việc trong các CCN tăng lên rất nhanh, đến nay có khoảng 7,6 nghìn lao động, sau khi CCN Đồng Sóc cũng như các CCN mới được thành lập đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 20 nghìn lao động.
Ngoài ra, các CCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được quy hoạch gần các làng nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần gìn giữ và thúc đẩy sự phát triển nghề cơ khí, nghề mộc truyền thống, nâng cao giá trị sản xuất nguồn thu nhập cho các hộ dân (CCN Thị trấn Yên Lạc, CCN Yên Đồng, CCN Lề Lỗ, CCN Lý Nhân - đến nay các CCN này cơ bản lấp đầy). Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ có 32 cụm công nghiệp, diện tích trên 689 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 19 cụm công nghiệp được hình thành và thành lập, tổng diện tích khoảng 465 ha. Nhìn nhận rõ tầm quan trọng và thực trạng của việc phát triển các cụm công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển hạ tầng CCN trong thời gian tới:
Trước tiên là nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN; Đảm bảo nhu cầu diện tích, mặt bằng sạch nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư; phát triển công nghiệp bền vững là động lực để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động; tạo sức lan tỏa phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ nhanh và bền vững; Quy hoạch và xây dựng lộ trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào tại các CCN.
Đẩy mạnh xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng, đầu tư thứ cấp vào các CCN; Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án, nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.
Các sở, ngành có liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp địa phương xây dựng hoàn thiện phương án phát triển CCN để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo tiếp tục phát triển các CCN có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.