Vĩnh Phúc chủ động ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần tăng cường hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, cấp ủy đảng, cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đang tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Cán bộ Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân
Cán bộ Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân

Từ cuối năm 2021, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên; chú trọng kiểm tra giám sát đối với tổ chức Đảng cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt do cấp ủy cùng cấp quản lý ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra vi phạm.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy các cấp đã kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Trong đó, tỉnh chú trọng nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên theo quy định tại Điều 32 của Điều lệ Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tổ chức tốt việc niêm yết các văn bản mới; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng chống tham nhũng trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ… Riêng trong năm 2021, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã ban hành 87 văn bản mới về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Kết quả trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 14 tổ chức Đảng và 24 đảng viên; Uỷ ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 114 tổ chức Đảng cấp dưới và 220 đảng viên; sau khi kiểm tra, Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 1 tổ chức Đảng và 59 đảng viên vi phạm...

Đặc biệt, trong công tác thực thi công vụ lĩnh vực đất đai, đây là lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, theo đó, UBND tỉnh đã chỉ ra những mặt còn hạn chế của các đơn vị như: Nhiều hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai quá hạn không giải quyết dứt điểm; có việc còn chưa thống nhất, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với công chức địa chính, xây dựng cấp xã về xác định nguồn gốc đất đối với hồ sơ đề nghị công nhận quyền sử dụng đất lần đầu, do vậy, hồ sơ phải trả đi trả lại, gây khó khăn cho tổ chức, công dân.

Với những giải pháp cụ thể, thực hiện đồng bộ, sát sao, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn đọng trong công tác kiểm tra Đảng, xây dựng chính quyền địa phương.

Qua đó, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng chống tham nhũng chuyển biến tích cực.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng chính quyền vững mạnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở.

Vĩnh Phúc ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chínhVĩnh Phúc ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính

Trong đó, tập trung ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đối với các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức cần phải được xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời và công bằng.

Thực hiện việc công khai, minh bạch trên nhiều lĩnh vực tài chính, ngân sách, mua sắm tài sản công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các khoản huy động đóng góp của nhân dân… Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động xây dựng, ban hành quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Thời gian tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ.

Bên cạnh đó, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng Đảng viên./.

Đọc thêm