Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số trong giáo dục, thay đổi để thích nghi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học. Mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, nhưng nếu được hiện thực hoá, chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho môi trường giáo dục, các cơ sở đào tạo và cho xã hội.
Một số học sinh tham gia buổi học trực tuyến
Một số học sinh tham gia buổi học trực tuyến

Những năm qua, chuyển đổi số trong giáo dục đã có một bước tiến dài, hướng đến mục tiêu “Việt Nam tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo”. Nếu như thời gian trước, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Các dữ liệu của ngành giáo dục tất cả đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi mà không rườm rà về mặt sổ sách.

Đặc biệt, xác định con người là nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng bảo mật an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong toàn ngành.

Chỉ tính riêng năm 2021, toàn ngành đã tổ chức để hơn 35.000 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về xây dựng bài giảng điện tử, cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, soạn giảng giáo án điện tử, cài đặt phần mềm, thiết kế bài giảng trên các ứng dụng; phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tập huấn “Tư duy thời đại số”, cuộc thi viết với chủ đề “Câu chuyện thực trong thế giới ảo của tôi”; tăng cường triển khai sâu rộng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử… Qua đó, giúp năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên rõ rệt.

Cũng chính từ sự chủ động chuẩn bị sẵn sàng ấy đã giúp giáo dục đào tạo trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Minh chứng rõ nhất phải kể đến ngay lần đầu tiên dịch COVID-19 xuất hiện tại Vĩnh Phúc vào đầu năm 2020, nhiều hoạt động bị gián đoạn, thậm chí là ngưng trệ song với phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”, toàn ngành đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý, giảng dạy.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang dạy học online - một hình thức chưa từng có trong tiền lệ. Đến nay, phương thức dạy học mới này đã trở thành kỹ năng không thể thiếu của mỗi thầy, cô giáo - những người trước đó vốn chỉ quen với bục giảng, phấn trắng, bảng đen. Hàng nghìn bài giảng E-lerning được xây dựng ở tất cả các cấp học, góp phần hình thành kho học liệu số về giáo dục.

Trong công tác quản lý, điều hành, các nhà trường đã tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử; triển khai sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, cập nhật đầy đủ dữ liệu về cán bộ, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, đánh giá, xếp loại học sinh... lên hệ thống thông tin quản lý giáo dục để làm cơ sở thống nhất với các phần mềm khác trong công tác thống kê, báo cáo toàn ngành. Hiện 100% các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được website đăng tải hoạt động của đơn vị, các thông tin quản lý và điều hành được chuyển dần sang hình thức văn bản điện tử.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, bổ sung cho các trường học trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh phổ cập năng lực số, xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối từ Sở đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường; Nghiên cứu thí điểm một số phòng học hiện đại hướng đến phát triển mô hình trường học thông minh; Xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, tích hợp với kho dữ liệu chung của tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường kết nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh thông qua hệ thống phần mềm hồ sơ điện tử, sổ liên lạc điện tử, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, không dùng giấy tờ; tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới tư duy về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh và triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số.

Đọc thêm