Thành công toàn diện
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lê Duy Thành vui mừng cho biết, trên tất cả các giác độ, phương diện, Vĩnh Phúc được đánh giá là thành công trong chặng đường 25 năm tái lập tỉnh. “Năm này là năm thứ hai Vĩnh Phúc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Nhìn lại các dấu mốc lịch sử mà Vĩnh Phúc đã đạt được trong suốt thời gian qua, năm 2021 vừa qua được đánh giá là năm thành công” - ông Thành chia sẻ.
Theo Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, một trong những thành công nhất trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là hình ảnh của tỉnh Vĩnh Phúc ở trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng rất tích cực và ấn tượng. Đó là hình ảnh trong chống dịch COVID-19, trong giải ngân vốn đầu tư công, trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong giải phóng mặt bằng, trong phòng, chống bão lụt…
Thành công đầu tiên mà ông Thành đề cập đến là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc được đánh giá cao, luôn ở trong Top 10. Năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, GRDP của Vĩnh Phúc ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc đạt được con số tăng trưởng 10%, đứng Top 10 toàn quốc.
Thứ hai, liên quan đến thu ngân sách, thu ngân sách của Vĩnh Phúc liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong nhóm các địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Thứ ba, tất cả những việc lớn của quốc gia, Vĩnh Phúc luôn được đánh giá, ghi nhận là tỉnh đi đầu trong tổ chức triển khai thực hiện. Đơn cử, công tác chống dịch COVID-19, tiêm chủng, giải phóng mặt bằng, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội XVII, Vĩnh Phúc… Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là đi đầu, có nhiều mô hình hay có thể nhân rộng cả nước.
Thứ tư, các chỉ số như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR index) và một số các chỉ số khác, theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, đang có sự quay trở lại một cách “ngoạn mục”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. |
“Với PCI, Vĩnh Phúc bứt phá lọt Top 5, từ vị trí thứ 29 của năm 2020. Với PAR index, dù không dám kỳ vọng, nhưng Vĩnh Phúc cũng xếp vị trí thứ 5…” - Chủ tịch Lê Duy Thành chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh, để đạt được những thành tựu này là nhờ có sự đóng góp của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đặc biệt là công đồng doanh nghiệp, doanh nhân…
Điểm sáng thu hút FDI
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đề ra mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, mỗi năm thu hút được khoảng 400-500 triệu USD vốn đầu tư từ các dự án FDI, từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư các dự án DDI và nằm trong Top 15 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Riêng trong năm 2022, Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút 25 - 30 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 17 dự án bao gồm 10 dự án FDI có tổng số vốn đầu tư 126,82 triệu USD và 7 dự án DDI có tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.338,42 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án có vốn đầu tư đăng ký cao là Dự án Khu đô thị Yên Lạc Green City với tổng vốn đầu tư 2.275,36 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo với tổng vốn đầu tư 3.832,2 tỷ đồng.
Đồng thời tỉnh đã thực hiện đăng ký tăng vốn đầu tư cho 21 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 98,65 triệu USD và 5 lượt dự án DDI với tổng vốn đăng ký tăng hơn 1.405 tỷ đồng.
Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt hơn 7.743 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh ước có 1.267 dự án, trong đó có 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD; 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 118,44 nghìn tỷ đồng.
Để có được những kết quả đó, ngay sau khi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và thực hiện chủ trương của Chính phủ về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bộ KH&ĐT, Văn phòng kinh tế và văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Vĩnh Phúc năm 2022”. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp, làm việc với tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một số DN Hàn Quốc; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đề xuất nội dung hợp tác với tỉnh Tochigi (Nhật Bản) và quảng bá, vận động DN đăng ký tham gia Đoàn giao dịch thương mại tại Thụy Điển và Na Uy do Bộ Công Thương tổ chức nhằm tìm kiếm các cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường các nước này.
Đáng chú ý là các dự án FDI vào Vĩnh Phúc đều tập trung trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp chất lượng cao như sản xuất điện tử, phụ tùng ô tô xe máy và các sản phẩm công nghiệp khác.
“Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh tháo gỡ các “điểm nghẽn” về đất đai, môi trường đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện tối đa để các dự án triển khai nhanh và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số, nhằm thu hút được những dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao” - Chủ tịch Lê Duy Thành nhấn mạnh.