Vĩnh Phúc dành 95 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dành 95 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tại địa phương.
Đại hội Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đại hội Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, hết năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 25 tổ hợp tác, 244 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 83.030 thành viên.

Những năm qua, để đồng hành cùng các hợp tác xã, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách dành cho khu vực kinh tế này như: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, đưa cán bộ trẻ về làm việc tại một số hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vốn vay, giống, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia vào các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội nguồn nhân lực… Từ đó, các tổ chức kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định và là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương trong giai đoạn mới.

Hợp tác xã phát triển góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên

Hợp tác xã phát triển góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hợp tác xã phải hoạt động cầm chừng, chờ giải thể, ngừng hoạt động, nhiều đơn vị thiếu sự đột phá và khả năng thích nghi với thiên tai, dịch bệnh.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển trạng thái từ chiến lược “không COVID-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền. Bên cạnh đó, khuyến khích các hợp tác xã chủ động, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp để có thể hấp thụ tốt các nguồn hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, với Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, sẽ tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Được biết, Đề án có tổng mức kinh phí gần 95 tỷ đồng, bao gồm nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thông qua đề án góp phần nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của các tổ chức kinh tế tập thểtrong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đồng thời, rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, củng cố hoặc giải thể những hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Song song với đó, tỉnh cũng tăng cường triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của trung ương; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã của tỉnh về thành lập mới, giải thể, chuyển đổi hợp tác xã; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi; quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm…

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 20 hợp tác xã. Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương./.

Đọc thêm