Huy động mọi nguồn lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, thích ứng với tình hình mới
Đầu tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Với kinh nghiệm trong cuộc chiến chống COVID-19 năm 2020, Vĩnh Phúc bước vào cuộc chiến chống dịch mới trên thế chủ động với chiến lược “Quyết tâm bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn”.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó theo từng ngày, từng giờ; xây dựng đủ các kịch bản, phương án có thể xảy ra; kiểm soát chặt và nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và tiềm ẩn nguy cơ trên địa bàn; đánh giá nhanh và đúng tình hình có thể xảy ra trong tương lai gần để đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp nhất với thực tế xã hội của địa phương”.
Đặc biệt, trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể lây lan trong cộng đồng, vào các nhà máy, khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi sản xuất - kinh doanh, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho toàn bộ công nhân; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, chỉ đạo phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất, các điều kiện phòng, chống dịch; Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là nhóm công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống COVID-19. Bất kỳ tổ chức, cá nhân hay địa phương, đơn vị nào có thái độ chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh đều bị xử lý kịp thời, nghiêm khắc.
|
Vĩnh Phúc được đánh giá vận dụng linh hoạt, có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ |
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng được đánh giá vận dụng linh hoạt, có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Để triển khai nhanh chóng Nghị quyết 128, ngày 15/10, Vĩnh Phúc đã công bố tình hình dịch bệnh ở cấp 2 - nguy cơ trung bình, căn cứ theo quy định thích ứng an toàn COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế.
Ông Lê Duy Thành đánh giá: “Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên công bố cấp độ thích ứng an toàn COVID-19 (bằng văn bản). Theo đó, tỉnh nới lỏng nhiều biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu người dân không tập trung quá 50 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khi tham gia hoạt động thể thao ngoài trời. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động gồm: Điểm du lịch, di tích và danh thắng; cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; sân golf; dịch vụ spa,…”.
Với hoạt động vận tải, tỉnh yêu cầu chủ phương tiện phải quản lý hành khách bằng mã QR. Taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt được hoạt động bình thường.
Nghị quyết 128 được tỉnh Vĩnh Phúc vận dụng phù hợp với thực tiễn chống dịch trên địa bàn. Với cơ chế, quy định mới này sẽ giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế.
Giữ vững tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư
Năm 2021, tỉnh Vĩnh phúc đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”; quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành “Vùng Xanh” bền vững trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
|
Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 |
Theo báo cáo kinh tế năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả rất tích cực, thu hút được 57 dự án mới, trong đó có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD và 135 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020; cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,90 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là hơn 109,97 nghìn tỷ đồng. Hiện nay có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.
Đặc biệt cũng trong năm 2021, tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn đầu tư vào các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng cụm công nghiệp, đô thị, nông nghiệp,... đây là những dự án được xác định là động lực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian tới. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực do đã phục hồi năng lực sản xuất nên có mức tăng cao như linh kiện điện tử, ô tô, xe máy... Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định.
Ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tỉnh đã thành lập Tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng xây dựng quy trình đầu tư mới, rút giảm khoảng 20% thời gian giải quyết TTHC; tăng cường giải quyết TTHC trực tuyến giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể sang trực tiếp để thực hiện thủ tục đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.
Theo các chuyên gia kinh tế, với những kết quả đạt được trong năm vừa qua cũng như quá trình xây dựng và phát triển xuyên suốt 25 năm tái thành lập tỉnh, Vĩnh phúc đã có nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với dịch bệnh và đang thích ứng dần với điều kiện bình thường mới. Đây là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, tạo đà để Vĩnh Phúc tiếp tục bứt phá, thực hiện thành công những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.