Với số lượng doanh nghiệp đa dạng, phong phú cả trong nước và nước ngoài, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp thuận lợi, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước hay từ châu Âu và châu Mỹ.
Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra mục tiêu "3 tốt" gồm: Môi trường pháp lý tốt, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt, mời gọi được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư cùng đến, góp phần phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh.
Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng tiết giảm về thời gian và đơn giản về thủ tục. Đặc biệt, TTHC về thuế được rà soát và cắt giảm, không còn khai thuế GTGT theo tháng như trước đây mà khai theo quý; bãi bỏ hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra trong hồ sơ khai thuế GTGT; cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế GTGT tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc; cắt giảm TTHC để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm...
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp. Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của tỉnh được thiết lập và vận hành sử dụng 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc còn được đánh giá cao nhờ tính minh bạch, lành mạnh và công bằng. Một trong những điểm nổi bật của tỉnh Vĩnh Phúc là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được các cấp, các ngành quan tâm và tích cực hỗ trợ. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, quy hoạch và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân để kết nối phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư tiếp tục được quan tâm.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích hơn 5.700 ha. Trong năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 21 cụm công nghiệp với diện tích gần 500 ha. Hiện, tỉnh đã thu hút được 402 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5,76 tỷ USD và 795 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 97,83 nghìn tỷ đồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh hằng năm đều nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao.
Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoan nghênh, mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đâu tư./.