Trải qua một năm với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không ngừng nỗ lực, huy động cả hệ thống chính trị cũng như sự quyết tâm, đồng lòng của người dân nhằm bảo vệ đời sống, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền. Trong đó, nhiệm vụ nâng cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng.
Nhiều kết quả tích thực trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quán triệt sâu sắc, triển khai linh hoạt hai Nghị quyết trên và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, về công tác tư tưởng, tuyên giáo: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định và chỉ đạo thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo và chỉ đạo xây dựng các mô hình điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với các cấp ủy cơ sở. Chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết, các kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 3, 4 khóa XIII, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
|
Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh |
Về công tác tổ chức xây dựng Đảng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định và chỉ đạo thực hiện 09 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 và chỉ đạo công tác phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp và kết nạp đảng viên của cấp ủy cơ sở. Lãnh đạo sửa đổi, bổ sung các quy định phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 12 đồng chí, điều động, luân chuyển 17 đồng chí, bổ nhiệm lại 7 đồng chí, giới thiệu 4 đồng chí ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 38 đồng chí ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Rà soát, thẩm định, kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với 6.261 người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; 26 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phục vụ công tác cán bộ đảm bảo quy định.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời rà soát, phân loại và giao chỉ tiêu cho cấp ủy các cấp tập trung giải quyết triệt để các đơn thư tố cáo, khiếu nại kéo dài...
Công tác dân vận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu của cấp ủy, hệ thống dân vận cơ sở. Chỉ đạo triển khai Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025 và “năm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 2021”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận. Chỉ đạo hệ thống dân vận các cấp đổi mới, tăng cường các biện pháp vận động quần chúng tham gia thực hiện ở các lĩnh vực như: đảm bảo an ninh trật tự; phát triển đảng viên; xây dựng nông thôn mới (nâng cao, kiểu mẫu), việc thực hiện Quy chế dân chủ,...góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị ở các địa phương.
Công tác nội chính: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm và phòng, chống tham nhũng năm 2021. Chỉ đạo sơ kết 05 năm thực Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Lãnh đạo Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân, Đảng bộ Công an tỉnh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tố tụng. Lãnh đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong tỉnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Đổi mới từ tư duy đến hành động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị
Nhằm áp dụng và triển khai có hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực vận dụng, đổi mới từ tư duy đến hành động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Việc ban hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng ngày càng bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ. Trong lãnh đạo, điều hành luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận đi đến thống nhất, tập trung và quyết định. Việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; không buông lỏng, coi nhẹ nhưng cũng không bao biện, làm thay.
Ban thường vụ Tỉnh ủy đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược; kiện toàn chức danh lãnh đạo trong các tổ chức của hệ thống chính trị; sửa đổi để ban hành Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; nghiên cứu, sửa đổi để ban hành các quy định về công tác tổ chức cán bộ; xây dựng các nghị quyết của Tỉnh ủy, của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025; các đề án về công tác đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; quy định thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm...
|
Vĩnh Phúc cũng chú trọng đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu |
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp được phát huy. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh. Phong cách, lề lối làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở.
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả”.
Bên cạnh đó, trước những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, tỉnh cũng chỉ đạo có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thông các điểm nghẽn trong phát triển kịnh tế - xã hội. Trong đó, đã phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch COVID-19.