Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển
Vĩnh Phúc hiện có 9 KCN đã thành lập và đi vào hoạt động, 4 KCN đang được các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong những năm qua, việc xây dựng và đi vào hoạt động của các KCN trên địa bàn đã góp phần thay đổi diện mạo cho tỉnh Vĩnh Phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo cơ hội thu nhập cao cho nhân dân địa phương cũng như lao động ngoài tỉnh đến sống và làm việc.
Tính đến tháng 4/2022, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 426 dự án, gồm có 86 dự án DDI và 340 dự án FDI. Các ngành nghề chủ yếu là sản xuất cơ khí, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, may mặc...
Các KCN không chỉ phát triển mạnh ở khu vực trung tâm như: Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Tam Dương mà hiện nay đã mở rộng ra tại các huyện: Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp bình quân đạt 50,7%.
Với phương châm “các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, những năm qua tỉnh đã liên tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tích cực đón đầu dòng vốn FDI, dự kiến giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng từ 23 đến 25 KCN với tổng quỹ đất khoảng 7.000ha.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 đến 85 triệu đồng/người/năm.
Siết chặt các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường
Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân thì một vấn đề đặt ra với địa phương là việc việc xử lý nguồn nước thải lớn từ các KCN trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng cho biết, hiện tổng lượng nước thải tại các KCN trên địa bàn đạt khoảng 11.550 m3/ngày/đêm. Với xu hướng tiếp tục phát triển, mở rộng các KCN thì con số này sẽ vượt xa hơn nữa.
Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế", tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Theo đó, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, đề án và kế hoạch để bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng cường phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất trong KCN.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 36 tổ chức, cá nhân về việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Qua kiểm tra đã phát hiện 10 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo đó đã ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 248 triệu đồng; đình chỉ hoạt động thời hạn 3 tháng đối với 1 tổ chức.
Điển hình như cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 470 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID), địa chỉ tại KCN Khai Quang, TP.Vĩnh Yên, về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Vĩnh Phúc luôn quan tâm và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải |
Mặc dù tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhưng tại một số KCN trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những bất cập trong việc xử lý nước thải. Một số KCN dù đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng do đầu tư lâu ngày dẫn đến nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng nên nhiều doanh nghiệp đã tự xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Để siết chặt các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, Ban quản lý các KCN tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các KCN, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Ban quản lý cũng thường xuyên giám sát tại các KCN, triển khai lấy mẫu, phân tích và thông báo kết quả phân tích mẫu nước thải công nghiệp đối với các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh. Với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường sẽ xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho các cơ sở sản xuất, chủ đầu tư hạ tầng các KCN. Với các công trình xử lý nước thải tại các KCN, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng.