Tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được giải quyết, nhất là các cơ sở có nguồn thải lớn, các cơ sở sản xuất sắt thép, tái chế phế liệu. Đến nay, cơ bản các nguồn thải đã được kiểm soát tốt, không để phát sinh điểm nóng hoặc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từng bước được nâng cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đầu tư các công trình xử lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, các nguồn thải lớn đã được lắp đặt các trạm quan trắc, giám sát môi trường tự động, liên tục và truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát trực tiếp 24/24h hàng ngày.
Công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua đó đã từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của nhân dân, từng bước thay đổi nhận thức, lối sống thân thiện môi trường của cộng đồng dân cư và nhân dân.
Hoạt động thẩm định, cấp phép trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được chú trọng nâng cao chất lượng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính về môi trường được rút ngắn thời gian giải quyết xuống ngắn hơn nhiều so với quy định của Chính phủ.
Đặc biệt có một số thủ tục giảm gần 50% thời gian giải quyết theo quy định chung của Trung ương, nhiều thủ tục đã được xây dựng và giải quyết theo cấp độ 4, qua công tác thẩm định đã sàng lọc các dự án có tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, yêu cầu chủ dự án phải thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn môi trường.
Kết quả công tác thẩm định đã từ chối cấp phép đầu tư một số dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, điển hình như: Dự án đầu tư cơ sở xử lý, tái chế chất thải công nghiệp, nguy hại tại khu công nghiệp Khai Quang; Dự án nhà máy Dệt – Nhuộm của Tập đoàn TAL tại KCN Bá Thiện 2.
Công tác quản lý chất thải ngày càng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ chất thải y tế, chất thải nguy hại đã được thu gom và xử lý 100% đạt quy chuẩn môi trường, đã hình thành thị trường thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp, y tế, nguy hại giảm tải cho ngân sách nhà nước, xã hội hóa một phần hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng và đảm bảo tốt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc |
Hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường được tổ chức thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức và cá nhân.
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, đến nay các cơ sở sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường như thực hiện các thủ tục về môi trường, thu gom và xử lý chất thải theo quy định.
Đầu tư công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm, đáp ứng cơ bản các yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt năm 2019, 2020 thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các cấp phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai hết sức hiệu quả phong trào hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua 2 năm triển khai đã xây dựng được trên 800km cống rãnh toàn tỉnh với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng, trong đó huy động được nhân dân tham gia đóng góp trên 600 tỷ đồng và hiến tặng hàng ngàn mét vuông đất để triển khai xây dựng cống rãnh, mở rộng đường giao thông nông thôn...
Kết quả, trong 02 năm triển khai, phong trào đã đạt vượt kế hoạch đề ra và tương đương với kết quả triển khai trong 10 năm giai đoạn từ 2009-2019. Kết quả của phong trào đã góp phần cơ bản hoàn thiện hạ tầng thoát nước thải ở khu vực nông thôn hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường tỉnh hiện nay cũng đang gặp rất nhiều thách thức như: Định hướng tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch của Vùng và của cả nước; đưa Vĩnh Phúc trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI sẽ kéo theo quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số, tiêu dùng xã hội, nhu cầu tài nguyên, khoáng sản,.. sẽ tạo nên áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là hạ tầng về xử lý chất thải, cung cấp nước sạch, bảo vệ cảnh quan sinh thái.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, diễn biến thời tiết khó lường, có ảnh hưởng rõ rệt đến môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội, đời sống, sản xuất của nhân dân trong tỉnh.
Sự chuyển dịch, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, canh tác nông nghiệp, chăn nuôi quy mô lớn ở nông thôn sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực về quản lý môi trường khu vực này. Đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong khi ngân sách nhà nước chưa thể cân đối, bố trí ngay được; thu ngân sách tỉnh còn thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào phát triển công nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ chính sách hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhận thức của người dân và xã hội về chất lượng môi trường ngày càng cao, nhu cầu được sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp ngày càng trở nên bức thiết đòi hỏi phải có sự đầu tư ngày càng gia tăng cho công tác bảo vệ môi trường.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 19/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định sự nỗ lực duy trì sự tăng trưởng bền vững của tỉnh dựa trên 3 trụ cột Kinh tế - Xã hội - Môi trường.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội và hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết đã đề ra, cần có sự vào cuộc và quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.