Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện các nền tảng số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang trao đổi cùng các lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Vĩnh Phúc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang trao đổi cùng các lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Vĩnh Phúc

Theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đến năm 2025, xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số để chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường thực - số; hình thành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh; thúc đẩy xã hội số thông qua việc người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng số, tham gia vào quá trình phát triển dữ liệu số, tạo ra giá trị gia tăng trên môi trường thực - số.

Mục tiêu đến năm 2030, chính quyền số hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc ra quyết định quản lý dựa trên dữ liệu số và hệ thống dịch vụ số; kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, bền vững.

Đối với việc triển khai thí điểm thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Vĩnh Phúc (IOC), Sở Thông tin và Truyền thông luôn đã bám sát hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định của tỉnh. Hệ thống Trung tâm bước đầu giúp thu thập thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về y tế, giáo dục, giao thông, du lịch…

Từ đó, có thể hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống phù hợp với các nguyên tắc về khả năng mở rộng, công nghệ tiên tiến, tính module hóa, tính thống nhất, độ ổn định, độ tin cậy, an toàn bảo mật, vận hành và quản trị hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Vũ Chí Giang cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tham khảo kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai thành công để tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các sở, ngành tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong kế hoạch; rà soát các chỉ tiêu buộc phải hoàn thành và những chỉ tiêu không khả thi, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; đề xuất thời gian hoàn thành từng chỉ tiêu cụ thể. Nhanh chóng hoàn thiện dự thảo kế hoạch trong tháng 6/2022 để trình Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu “đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Phúc vào nhóm 15 các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số” như kế hoạch đã đề ra.

Ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh: “Văn phòng UBND tỉnh cần rà soát các thủ tục, văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sở Thông tin và Truyền thông cần đề xuất quy trình nhập số liệu, cung cấp thông tin của các cơ quan, đơn vị thực hiện. Tối đa hóa chức năng ứng dụng, sử dụng và đề xuất các thủ tục để sớm đưa Trung tâm điều hành thông minh vào vận hành, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh”.

Theo kế hoạch hoạt động năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã phân công 19 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các thành viên và các cơ quan triển khai nền tảng số dùng chung quốc gia, trong đó, tập trung phát triển các trụ cột về hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các chỉ tiêu được định lượng cụ thể.

Đọc thêm