Vĩnh Phúc: Phát triển cụm công nghiệp làng nghề - hướng đi bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo định hướng phát triển các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến vấn đề xây dựng sản xuất tập trung, khắc phục ô nhiễm môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương.
Làng nghề Tề Lỗ tại Vĩnh Phúc chuyên “mổ xe – buôn bán sắt vụn”
Làng nghề Tề Lỗ tại Vĩnh Phúc chuyên “mổ xe – buôn bán sắt vụn”

Nan giải tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, 6 làng nghề mới và ngành nghề chế biến nông – lâm – thủy sản. Sự phát triển của các làng nghề góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, duy trì bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp tỉnh tiến tới phát triển du lịch làng nghề thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề tại Vĩnh Phúc đang phát triển dưới hình thức tự phát, nhà xưởng và cơ sở sản xuất đều được đặt tại gia, do đó quá trình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Có thể kể đến các làng nghề như: Nghề mộc, làng nghề Tề Lỗ chuyên “mổ xe – buôn bán sắt vụn” tại huyện Yên Lạc. Tại thị trấn Yên Lạc, có đến 70% dân số làm nghề mộc. Các xưởng sản xuất nằm chen chúc giữa các khu dân cư, nhiều gia đình tận dụng khuôn viên sân nhà làm xưởng sản xuất. Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng thực tế bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.

Một người dân trú tại thôn Đông, thị trấn Yên Lạc bức xúc: “Ở đây là làng nghề nên bụi gỗ rất là kinh khủng, bụi gỗ làm cay mắt, hít vào là ho khó chịu lắm. Đóng cửa nhà vào những vẫn có bụi bay vào trong, hàng ngày phải lau mấy lần cũng không hết bụi. Ô nhiễm môi trường ở thôn này rất nguy hiểm”.

Còn đối với làng nghề Tề Lỗ, hiện có 300 - 400 bãi “mổ” ô tô, xe cơ giới lớn nhỏ, trong đó có gia đình có tới 2 - 3 bãi. Cả làng nghề luôn có cả chục ngàn chiếc xe ô tô cùng các loại máy xúc, máy ủi, xe cẩu xếp tràn lan khắp thôn xóm, ven ao hồ, đồng ruộng chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, chi tiết còn tốt mang bán lại cho các cơ sở sửa chữa, gia công. Sau thời gian tháo dỡ, các loại sơn bị bong tróc, gioăng cao su, xăm lốp, nhựa mềm và nhựa cứng, dầu nhớt trong máy thải ra ngoài môi trường với số lượng lớn.

Đáng nói, các chất thải không có khả năng tái chế này thường được đốt hủy hoặc vứt bừa bãi ra môi trường khiến cho hệ thống cống rãnh quá tải, một số khu vực nước thải ứ đọng ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt… Nhiều loại vật liệu cùng chất thải khó phân hủy chất đống, nhất là tại các đường lớn, ngõ nhỏ. Khi thời tiết thay đổi, mùi hôi, mùi khét nồng nặc khắp nơi; các ao hồ, kênh mương đen đặc nước thải.

Làng nghề gỗ tại Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đứng trước thực trạng ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ

Làng nghề gỗ tại Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đứng trước thực trạng ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ

Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết: "Toàn xã hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, buôn bán máy xúc, máy ủi, trong đó có hơn 300 hộ đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp Tề Lỗ. Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn và hiện còn gần 200 hộ chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp, đang loay hoay tìm nơi tập kết hàng hóa".

Được biết, từ năm 2018, xã Tề Lỗ đã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng hai bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400 m2. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải bởi các hộ làm nghề đông, phân tán, thu gom khó, giá thành xử lý đắt.

Cũng theo một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, đến 46% số làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có chỉ số ô nhiễm nặng với không khí, đất, nước hoặc cả 3 dạng trên, có đến 27% số làng nghề đang ở mức ô nhiễm dạng vừa.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền về tác hại của các loại chất thải, nước thải với môi trường; yêu cầu các địa phương, nhất là các làng nghề làm tốt công tác thu gom và xử lý nước thải, giúp người dân mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp xử lý tạm thời, vẫn thiếu tính bền vững và lâu dài.

Phát triển cụm công nghiệp làng nghề: Giải pháp bền vững

Xác định để phát triển các làng nghề một cách bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã lựa chọn giải pháp xây dựng các cụm công nghiệp - làng nghề. Bởi khi tách các hoạt động sản xuất ra khỏi khu vực dân cư, vấn đề môi trường sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó, tại cụm công nghiệp tập trung, toàn bộ chất thải từ sản xuất sẽ được xử lý theo quy trình chuẩn, đảm bảo đầu ra an toàn với môi trường.

Với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đầu tháng 11/2021, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị giải trình công tác quản lý Nhà nước về phát triển cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66 sửa đổi, bổ sung Điều 42 Nghị định số 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; phân công, phân cấp nội dung quản lý cho từng đơn vị, bảo đảm tất cả các cụm công nghiệp trên địa bàn phải được quản lý theo quy định.

Ông Nguyễn Trung Hải nhấn mạnh: “Các đơn vị cần rà soát lại hệ thống văn bản, tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản chỉ đạo, các cơ chế chính sách về hỗ trợ, phát triển, quản lý cụm công nghiệp. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt Quyết định số 998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Các cụm công nghiệp - làng nghề hướng đi phát triển bền vững cho Vĩnh Phúc

Các cụm công nghiệp - làng nghề hướng đi phát triển bền vững cho Vĩnh Phúc

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; tăng cường công tác giám sát, có các giải pháp khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập về ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp, khu dân cư khu vực nông thôn. Trong đó, hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, rà, phá bom, mìn; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tối đa không quá 20 tỷ đồng…

Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với cụm công nghiệp. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật trong thẩm định, phê duyệt và quản lý sau quy hoạch đối với các cụm công nghiệp nhằm bảo đảm các cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.

Với sự hỗ trợ, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển các cụm công nghiệp – làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cơ bản giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, quy hoạch được những khu sản xuất tập trung, góp phần phát triển kinh tế, xã hội nâng cao thu nhập cho người dân.

Đọc thêm