Vĩnh Phúc: Sơ kết 3 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLO) - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, qua ba năm triển khai thực hiện Luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến rõ nét. 
Vĩnh Phúc: Sơ kết 3 năm thực hiện  Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đảm bảo tính liên tục, có hệ thống, gắn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên được kiện toàn khi có sự biến động, thay đổi về nhân sự. Đến nay Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh có 28 thành viên; cấp huyện có 198 thành viên. Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm tham mưu giúp UBND cùng cấp triển khai công tác PBGDPL, các chương trình, đề án, kế hoạch về PBGDPL ở địa phương; tham mưu xây dựng kế hoạch PBGDPL hàng năm và theo từng giai đoạn; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, đưa công tác PBGDPL thành một nội dung trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã chú trọng việc chỉ đạo đổi mới hình thức PBGDPL, với các hình thức thiết thực, sinh động và hiệu quả. Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật” theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp. 

Đội ngũ cán bộ làm công tác  PBGDPL luôn được quan tâm. Hầu hết các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp nhà nước đã bố trí được cán bộ pháp chế làm công tác PBGDPL. 

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 111 người. 100% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có trình độ đại học và trên đại học ở nhiều chuyên ngành khác nhau, đều là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, có phẩm chất chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật, có uy tín nơi công tác... Trong 3 năm qua, lực lượng này đã trực tiếp tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống của cán bộ và nhân dân. 

Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở  cũng được kiện toàn, củng cố, có 173 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.714 tuyên truyền viên pháp luật cơ sở, chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong giai đoạn mới. 

 1.441 tổ hoà giải với gần 10.000 hoà giải viên, đây là lực lượng tuyên truyền viên tích cực trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Thực hiện Luật PBGDPL, các ngành, các cấp của tỉnh luôn chú trọng đổi mới các hình thức và biện pháp PBGDPL. Các hình thức và biện pháp PBGDPL được áp dụng thiết thực, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tuyên truyền. 

Trong 03 năm toàn tỉnh tổ chức được trên 15.000 cuộc tuyên truyền với gần 1.600.000 lượt người tham dự; in ấn và phát hành gần 1.000.000 tài liệu PBGDPL bao gồm tờ gấp, sách mỏng, sách pháp luật phát cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng tháng các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc mở các chuyên mục có nội dung tuyên truyền pháp luật, phát hàng nghìn tin, bài, phóng sự để PBGDPL đến cán bộ và nhân dân.    

Trong 3 năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức thành công 5 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, gồm 01 cuộc thi sân khấu, 4 cuộc thi viết, với số lượng gần 700.000 lượt người tham dự. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể các cấp; ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật để từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, phát huy quyền dân chủ của mình.  

Hoạt động PBGDPL thông qua xét xử lưu động được tăng cường. Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được quan tâm thực hiện. Hàng trăm cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình, người nghiện ma túy và sau cai nghiện… 

Qua ba năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Luật  PBGDPL đã từng bước đi vào cuộc sống, đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tế, là cơ sở để các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PBGDPL góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật trong cán bộ và nhân dân phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm