Theo nội dung đơn, con trai anh Hoàng là C.V.H sinh ngày 4/10/2008 có được thuê làm việc tại công trường xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao Grand Victory Tam Đảo. Sáng ngày 4/3, trong quá trình lao động tại đây, cháu H. đã bị ngã và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. H. được các bác sỹ chuẩn đoán chấn thương sọ não, tiên lượng xấu, cần phẫu thuật ngay.
Anh Hoàng cho biết, thời gian gần đây anh đi làm ăn ở xa nên không có mặt thường xuyên tại gia đình. H. ở nhà với mẹ, hai mẹ con xảy ra mâu thuẫn nên đã bỏ nhà đi và không hiểu vì sao lại vào làm việc tại công trường khách sạn Grand Victory Tam Đảo. Sau khi H. bị tai nạn, anh Hoàng được đại diện chỉ huy công trường thông báo, ngay lập tức anh chạy về bệnh viện.
Theo anh Hoàng, từ ngày cháu H. nằm viện điều trị đã trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng bác sỹ tiên lượng rất xấu. Điều đáng nói, từ H. bị tai nạn đến nay, gia đình không nhận được bất kỳ sự quan tâm thăm hỏi nào của người sử dụng lao động, nhà thầu cũng như chủ đầu tư khách sạn Grand Victory Tam Đảo.
Cháu Huy nằm viện điều trị đã trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng tiên lượng rất xấu. |
Quá bức xúc vì thái độ của những đơn vị liên quan, ngày 17/3/2023, anh Hoàng đã làm đơn trình báo sự việc trên với công an thị trấn Tam Đảo, công an huyện Tam Đảo.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công an Huyện Tam Đảo cho biết, ngày 19/3, đơn vị đã tiếp nhận tin báo của công an thị trấn Tam Đảo về sự việc anh Cao Văn Hoàng trình báo. Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan CSĐT công an huyện Tam Đảo đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác minh, củng cố hồ sơ theo quy định.
Thông báo tiếp nhận tin báo về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Tam Đảo. |
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà nhận định: Hiện nay pháp luật đã có những quy định cụ thể về yêu cầu, điều kiện sử dụng lao động dưới 15 tuổi. Theo đó, tại Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, thương binh và Xã hội thì để ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi, người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động sẽ phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 4 của Thông tư này như: Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em; Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em…
Người sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi phải giao kết HĐ với người lao động và đại diện theo pháp luật của họ theo khoản 1 Điều 145 Bộ Luật lao động 2019. Về công việc, tại Điều 143 Bộ Luật lao động năm 2019 cũng quy định người lao động từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ làm công việc nhẹ như: Biểu diễn nghệ thuật; Vận động viên thể thao; Lập trình phần mềm…
Đối chiếu vào sự việc, em H. chưa đủ 15 tuổi nhưng được đưa vào làm công việc tại Công trường xây dựng cho thấy có nhiều dấu hiệu bất hợp pháp. Đồng thời, cần xác định rõ bản thân em và đại diện theo pháp của em có được kí HĐLĐ với bên sử dụng lao động không, công việc cụ thể là gì, tại công trường này, ngoài H. còn em nhỏ nào tương tự không… để có cơ sở xác định mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức liên quan. Đặc biệt, về việc H. bị tai nạn lao động, trách nhiệm trước tiên là của người sử dụng lao động bởi điều này cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn tại công trường có “lỗ hổng”, thiếu an toàn cho người lao động.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra các dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi” theo Điều 296 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.