Vĩnh Phúc tăng cường phòng, chống mưa bão, lũ lụt trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mưa lớn kéo dài trong ba ngày qua (22-24/5) đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rơi vào tình trạng ngập úng, chia cắt giao thông. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng, chống mưa bão, lũ lụt, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
Đến sáng 24/05 nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng ngập sâu
Đến sáng 24/05 nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng ngập sâu

Chiều tối ngày 22/5 đến sáng 24/5, trận cơn mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên bị ngập sâu, chia cắt. Một số trường học trên địa bàn thành phố đã cấp tốc thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Các tuyến đường Tôn Đức Thắng, tuyến đường Nguyễn Tất Thành, khu vực Trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ và Siêu thị Go!... trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng ngập sâu. Ngoài ra, các tuyến quốc lộ, nhiều ngầm tràn trên các tuyến đường tỉnh lộ cũng rơi vào tình trạng ngập úng. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h nhằm cảnh giới cho các chủ phương tiện.

Còn trên địa bàn huyện Tam Đảo, nhiều xã đã bị nhấn chìm trong nước lũ, đặc biệt là tại các xã, thị trấn Đại Đình, Hồ Sơn, Bồ Lý, Hợp Châu... nước đã tràn vào nhà dân, gây ngập lụt nhà cửa, gia súc, gia cầm. Trong khi đó, tình hình thời tiết vẫn tiếp tục có mưa lớn, khiến mực nước tại các sông, hồ dâng cao, chảy xiết, khiến một số đoạn đường bị sạt lở, chia cắt giao thông.

Công an huyện Tam Đảo giúp người dân di chuyển tài sản, đồ đạc, gia súc, gia cầm

Công an huyện Tam Đảo giúp người dân di chuyển tài sản, đồ đạc, gia súc, gia cầm

Theo đó, Lực lượng Công an huyện Tam Đảo đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ tích cực giúp người dân di chuyển tài sản, đồ đạc, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Đồng thời, tiến hành phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường.

Bên cạnh đó, nhiều ruộng đồng canh tác lúa, hoa màu tại một số thôn, xã nằm cạnh sông Cầu Bòn chảy qua huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị ngập nước do mưa lớn.

Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ngay trong chiều 23/5, ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, vận hành an toàn các hồ đập và ứng phó mưa lớn tại một số địa phương.

Theo đó, tại ngầm tràn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu chính quyền địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện; lắp đặt cảnh báo nguy hiểm; chủ động khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh; Chủ tịch UBND huyện, xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.

Còn tại hồ Xạ Hương, hồ Vĩnh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp, các công ty thủy lợi bố trí nhân lực, vật lực, rà soát các phương án sẵn sàng ứng phó với phương châm 4 tại chỗ đảm bảo an toàn các hồ đập; theo dõi mực nước tại hồ đập để có phương án điều tiết nước hợp lý; tổng hợp diện tích lúa, hoa màu, thủy sản bị thiệt hại kịp thời có giải pháp hỗ trợ nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và ứng phó mưa lớn tại ngầm tràn xã Đạo TrùChủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và ứng phó mưa lớn tại ngầm tràn xã Đạo Trù

Ông Lê Duy Thành nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, vì vậy, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với mưa bão; lắp đặt các biển cảnh báo tại một số tuyến đường có ngầm tràn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước diễn biến bất thường của thời tiết”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích ngập lụt và vận động người dân đối phó, có các biện pháp khắc phục thiệt hại, nhất là nông dân ở nơi có địa hình canh tác trũng.

Đọc thêm