Những năm qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, niêm yết công khai, đầy đủ danh mục thủ tục hành chính, biểu mẫu liên quan, các khoản thu phí và lệ phí; trình tự, thủ tục, nhất là thời gian giải quyết công việc được rút ngắn hơn từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với trước. Tỉnh cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương, hạn chế tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Tính từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2021, cấp tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 243.806 hồ sơ/247.484 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 98.51%, trong đó, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 79%. Cấp huyện tiếp nhận, giải quyết 47.687 hồ sơ/48.113 hồ sơ, đạt 99,11%, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn đạt 91%.
Tuy nhiên, đến nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị, lĩnh vực, trong khi số lượng cán bộ chuyên môn có hạn; cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, bất cập với thực tế, chưa đồng bộ trong hệ thống lưu trữ hồ sơ. Mặt khác ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, việc thực hiện quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả chưa được thực hiện đúng.
Tại phiên giám sát, các đại biểu đều nhất trí cho rằng những năm qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có nhiều chuyển biến tích cực, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đã thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết các tồn tại liên quan đến việc xác minh nguồn gốc đất, việc phân lô bán nền...
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Tam Dương, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời đưa chỉ tiêu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đại biểu Lương Văn Long, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Vĩnh Yên nêu ý kiến |
Một số ý kiến cũng đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thay đổi hoặc điều chỉnh rút ngắn quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu; tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai để người dân nắm rõ hơn các quy trình giải quyết thủ tục đất đai…
Giải trình về các vấn đề đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Kết luận phiên giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu HĐND tỉnh khi phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và thể hiện trách nhiệm cao đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, trọng tâm là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan liên quan, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh về việc tăng cường công tác công tác quản lý nhà nước việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các nội dung trong phiên giám sát sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh thông qua vào cuối kỳ họp./.