Vĩnh Phúc xây dựng mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống lành mạnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác này.
Vĩnh Phúc chú trọng công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống lành mạnh
Vĩnh Phúc chú trọng công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống lành mạnh

Với nỗ lực xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 350 mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 707 địa chỉ tin cậy và 229 đường dây nóng.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng được 102/136 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, chiếm 75% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo thống kê, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em, giảm 15 vụ so với năm 2020. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của trẻ em ngày càng tốt hơn. Các quyền được sống, phát triển, quyền học tập, quyền được tham gia, được vui chơi của trẻ em ngày càng được bảo đảm; nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích giảm xuống còn 173/100.000 trẻ; tỷ suất trẻ tử vong do tai nạn thương tích giảm xuống còn 9,4/100.000 trẻ; tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục 0.0072% trên tổng số trẻ. Công tác trợ giúp các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn cũng được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả nổi bật. Đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chỉ còn 1,15%. Công tác vận động các nguồn lực xã hội cho trẻ được triển khai hiệu quả; các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em được tiến hành thường xuyên, với nhiều hoạt động thiết thực.

Công tác phát hiện, hỗ trợ, can thiệp và xử lý các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em được tổ chức thực hiện hiệu quả. Quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng các vụ liên quan đến trẻ em đều bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc về quyền trẻ em, có biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng; 100% các vụ việc liên quan đến trẻ em được phát hiện đều tiến hành kịp thời, đúng người, đúng tội, không để xảy ra sai phạm, tạo niềm tin, cảm giác an toàn, được bảo vệ, chia sẻ cho trẻ em và gia đình có trẻ bị xâm hại.

Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương cũng đồng loạt hành động nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; bảo đảm trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản, trong đó có quyền được bảo vệ.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý đối với thanh, thiếu niên tại gia đình, nhà trường, địa phương để chủ động giáo dục, ngăn ngừa tội phạm từ cơ sở; thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng thanh, thiếu niên lang thang, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và phạm tội.

Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp triển khai nhiều biện pháp thực hiện các nội dung liên quan đến trẻ em như: đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người, trong đó có trẻ em; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; củng cố các câu lạc bộ "Gia đình bình đẳng, ấm no hạnh phúc", "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền"; xây dựng gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội, không có trẻ hư và bỏ học, không có bạo lực gia đình.

Đọc thêm