Vĩnh Phúc: Xây dựng nhà ở vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều hộ dân tại thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đang xây nhà dưới đường dây đang mang điện áp 22kV rất nguy hiểm, dù chưa được cấp phép xây dựng, cố tình phớt lờ các cảnh báo an toàn của ngành điện.
Xây dựng nhà ở vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp
Xây dựng nhà ở vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp

Mới đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của người dân đối với một số hộ gia đình về việc, (gia đình ông Phạm Văn Báo, thôn Phú Cường; gia đình ông Phạm Văn Hà, thôn Dịch Đồng) đang xây dựng nhà ở tại thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc khi chưa được cấp phép xây dựng và nằm dưới đường dây đang mang điện áp 22kV có nguy cơ gây mất an toàn đối với tính mạng con người, phương tiện thi công và các hộ dân khu vực lân cận gây bức xúc dư luận.

Trong quá trình quản lý vận hành Điện lực Yên Lạc đã phát hiện các nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định14/2014/NĐ-CP và đã có văn bản số: 93/ĐLYL-KHKT gửi UBND huyện Yên Lạc và UBND xã Đồng Cương về việc yêu cầu các hộ dân nêu trên dừng ngay việc thi công để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bên cạnh đó, Điện lực Yên Lạc cũng gửi thông báo số: 04; 05/TB-ĐLYL ngày 21/03/2022 để cảnh báo nguy hiểm đối với các hộ dân đang xây dựng nêu trên.

Tuy nhiên, đến nay tất cả các văn bản của Điện lực Yên Lạc gửi cho các cơ quan có thẩm quyền huyện Yên Lạc đều không được quan tâm và tình trạng thi công xây dựng ngay trong hành lang lưới điện cao áp vẫn thản nhiên diễn ra trước mặt các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các hộ dân xây dựng các công trình nhà ở kiên cố khi chưa được cấp phép xây dựng vẫn không có bất cứ hình phạt nào và yêu cầu tạm dừng của cơ quan chức năng.

Vị lãnh đạo xã Đồng Cương chia sẻ: Khu vực đất đấu giá thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương đã được đấu giá cách đây hai năm và song song với đó là sẽ di chuyển đường điện ra khỏi khu vực đất đấu giá (đã được ngành điện đồng ý phương án dịch chuyển, trách nhiệm dịch chuyển đường điện là chủ đầu tư). Tuy nhiên, đến nay đường điện vẫn tồn tại ở vị trí cũ và việc thực hiện đấu giá đất vẫn diễn ra rất thuận lợi.

Khi phóng viên hỏi và trao đổi thêm về việc vì sao cơ sở hạ tầng và đường điện chưa được dịch chuyển đảm bảo an toàn cho người dân mà vẫn thực hiện đấu giá đất thì vị lãnh đạo xã thản nhiên nói là do chỉ đạo từ cấp trên (UBND huyện Yên Lạc).

Dù đã được ngành điện chăng dây và treo cảnh báo nguy hiểm nhưng vẫn diễn ra xây dựng không phép ngay trước mặt các cơ quan chức năng

Dù đã được ngành điện chăng dây và treo cảnh báo nguy hiểm nhưng vẫn diễn ra xây dựng không phép ngay trước mặt các cơ quan chức năng

Dư luận đang thắc mắc phải chăng các cấp chính quyền có đang thực hiện đúng Điều 119 - Luật đất đai 2013, trong khi chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, việc quản lý trật tự xây dựng của các cơ quan chức năng ra sao? Và nếu như có sự cố điện xảy ra do tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp điện khu vực xã Đồng Cương nói riêng và huyện Yên Lạc nói chung gây nguy hiểm cho tính mạng con người và phương tiện thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?

Để thông tin được khách quan đa chiều, phóng viên nhiều lần liên lạc để đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Xuân Thông, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, nhưng đều bị trì hoãn và chưa nhận được câu trả lời chính thức nào?

Qua sự việc cho thấy, UBND huyện Yên Lạc đấu giá đất khi chưa có mặt bằng, giao đất cho các hộ dân nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp là không đúng quy định, khiến người dân trúng đấu giá đất, đã nộp tiền vào ngân sách và muốn xây dựng nhà ở gặp rất nhiều khó khăn. UBND tỉnh, cùng các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc thiết nghĩ cũng cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, rà soát trong trường hợp có sai phạm sẽ kiểm điểm nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.

Báo Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Đọc thêm