Võ cổ truyền Bình Định được lập hồ sơ di sản văn hóa để trình UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng, võ cổ truyền Bình Định sẽ được lập hồ sơ di sản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
 Dạy võ cổ truyền ở Bình Định.
Dạy võ cổ truyền ở Bình Định.

Bình Định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, nghệ thuật trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật bài chòi miền Trung, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật hát bội Bình Định thì di sản văn hóa phi vật thể quốc gia võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII thể hiện rõ nét.

Thời kỳ này, võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô trước đây chưa có.

Nói cách khác, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy võ cổ truyền Bình Định phải nâng cao về chất lượng, phải hoàn thiện cái vốn có của mình để phát huy tác dụng trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt hơn và hình thành diện mạo mới của võ cổ truyền Bình Định.

Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau. Đồng thời, quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc.

Bình Định là nơi đã tổ chức 7 kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam.

Bình Định là nơi đã tổ chức 7 kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam.

Từ thời Tây Sơn, di sản võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, võ cổ truyền Bình Định đã có những bước phát triển nổi bật trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị đặc trưng của một di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn truyền thống, gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định phát triển.

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - nơi giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền, là ngôi nhà chung của các làng võ cổ truyền Bình Định, là nơi bảo trợ trên 100 võ đường võ cổ truyền Bình Định.

Rất nhiều đề tài, đề án được tỉnh Bình Định ban hành, thực hiện, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định. Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ võ cổ truyền Bình Định, thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong số nghệ nhân đang nắm giữ võ cổ truyền Bình Định, hiện có 4 nghệ nhân ưu tú, 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên.

Từ năm 2006 đến nay, Bình Định là nơi đã tổ chức 7 kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, là nơi giao lưu di sản võ cổ truyền từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với di sản võ cổ truyền Bình Định. Điều đó nói lên võ cổ truyền Bình Định không những có bề dày lịch sử võ học, thể hiện sự đậm nét và phong phú của một di sản văn hóa phi vật thể, mà còn ảnh hướng sâu rộng và giao lưu, lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Võ cổ truyền Bình Định cũng đã có nhiều võ đường được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.

Ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7611/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ di sản đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể là võ cổ truyền Bình Định và nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đọc thêm