Hiện nay, Hội Cựu chiến binh tỉnh đang quản lý 359 Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 11 nghìn hộ vay, tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 15 chương trình tín dụng đạt trên 422 tỷ đồng (chiếm 14,9% tổng dư nợ ủy thác). Các hội viên vay vốn đều có ý thức sử dụng vốn, đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế như: trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ…
Hội viên CCB xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển nuôi ong |
Điển hình như gia đình Cựu chiến binh Hà Văn Dân (thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan) - một trong những hộ đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Dân cho biết: “Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, gia đình tôi duy trì nghề sản xuất cao khô truyền thống nhưng trước đây chỉ làm thủ công nên hiệu quả và năng suất không cao. Năm 2015, nhờ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có vốn đầu tư máy móc và mở rộng sản xuất. Hiện nay mỗi ngày gia đình đều làm được trên 1.500 bó cao khô xuất bán ở trong và ngoài tỉnh, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động”.
Không chỉ gia đình ông Dân, thời gian qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình Cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả của ông Dương Ngọc Đại (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm của ông La Văn Mậu (thôn Nam, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan), mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả của ông Vi Văn Oanh (xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia) đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm…
Ông Trần Văn Vẩn - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh - cho biết: Để nguồn vốn tín dụng chính sách đưa vào sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, Hội Cựu chiến binh đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác gắn với triển khai thực hiện nguồn vốn vay ủy thác. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các chương trình cho vay ưu đãi đến hội viên. Hằng năm, cán bộ hội các cấp đều tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay. Tính riêng trong năm 2018, Hội đã tổ chức lồng ghép được 51 lớp tập huấn với 556 lượt cán bộ hội tham dự. Đồng thời tuyên truyền, vận động hàng trăm lượt hội viên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được Hội đặc biệt quan tâm, chú trọng. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Hội Cựu chiến binh tỉnh kiểm tra được 100% hội cấp huyện, thành phố, 17/160 cơ sở hội xã, phường, thị trấn, 37 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 85 hộ còn dư nợ. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý vốn vay, Hội đưa nội dung kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác vào kế hoạch thi đua hằng năm và triển khai đến 100% cơ sở hội.
Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ có nguồn vốn tiếp sức, từ năm 2002 đến nay, Hội đã giúp hơn 1.000 hộ gia đình hội viên Cựu chiến binh thoát nghèo có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên khá, giàu; góp phần vào giảm tỷ lệ hộ gia đình hội viên nghèo hằng năm từ 2,5% - 3%. Tính đến nay, có hơn 1.300 mô hình kinh tế của hội viên Cựu chiến binh đem lại hiệu quả cao (từ 100 - 500 triệu đồng/năm); tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động là hội viên Cựu chiến binh và con em, người thân Cựu chiến binh.
Ông Phạm Mạnh Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh - cho biết: Những năm qua, Hội Cựu chiến binh đã tích cực hỗ trợ hội viên CCB nghèo vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Cựu chiến binh và Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ủy thác, nguồn vốn không chỉ được đưa đến đối tượng thụ hưởng kịp thời mà chất lượng tín dụng cũng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,09% (thấp hơn mức cho phép).