Vốn chính sách “tiếp sức” để nông dân Quảng Bình mở rộng sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguồn vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giúp nhiều nông dân ở Quảng Bình mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Trực đang chăm sóc đàn lợn rừng bên trang trại của mình.
Ông Nguyễn Văn Trực đang chăm sóc đàn lợn rừng bên trang trại của mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi thuộc thôn Hợp Bàn, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Sau một thời gian đi làm ăn xa, năm 1991 ông Phạm Văn Trực trở về quê cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Liên bắt tay vào khai hoang, phục hóa vùng đất đồi, để lập nghiệp với hai bàn tay trắng, lúc đầu xung quanh chỉ là đồi núi nên rất khó khăn.

Ông Trực tâm sự, trước đây vườn rộng nhưng chủ yếu là cây tạp, nguồn thu không ổn định, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ từ chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 100 triệu đồng từ NHCSXH. "Gia đình tôi mạnh dạn mở rộng mô hình, đầu tư tăng đàn hươu sao, heo rừng, mua thêm dê giống, gà đồi, trồng thêm cây ăn quả... Đặc biệt là nhờ sự chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, nên đã bớt đi được phần kinh phí mua thức ăn cho đàn vật nuôi. Hiện, tôi luôn có heo thịt, heo giống xuất bán thường xuyên ra thị trường từ 5 đến 10 con, thu về gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mô hình kinh tế tiềm năng có sự tiếp sức của NHCSXH.".

Đây là mô hình kinh tế tiềm năng có sự tiếp sức của NHCSXH.

Đây là mô hình kinh tế tiềm năng có sự tiếp sức của NHCSXH.

Ông Nguyễn Ngọc Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp chia sẻ thêm: Với địa bàn khó khăn như xã Quảng Hợp, thì việc tận dụng diện tích đất đồi, chủ động phát triển kinh tế như gia đình ông Trực bà Liên cần được nhân rộng. Thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện, nhất là nguồn vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giúp cho nhiều hộ dân, người lao động được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng sản xuất, chăn nuôi, giúp cho hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của xã.

Trong thời gian tới, để nguồn vốn chính sách được đến tay người dân kịp thời, đúng đối tượng theo Nghị quyết 11 của Chính Phủ, NHCSXH huyện Quảng Trạch tiếp tục phối hợp các hội đoàn thể xã, đẩy mạnh tuyên truyền nguồn vốn vay ưu đãi đến người dân; đồng thời phân công cán bộ, nhân viên ngân hàng xuống tại điểm giao dịch của xã thực hiện giải ngân nguồn vốn cho vay một cách thuận lợi và nhanh chóng. Qua đó, giúp cho nhiều đối tượng lao động có cơ hội tiếp cận nhanh nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho bản thân và cho gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

Cán bộ NHCSXH giải ngân nguồn vốn theo NQ/11 tại các điểm giao dịch xã.

Cán bộ NHCSXH giải ngân nguồn vốn theo NQ/11 tại các điểm giao dịch xã.

Theo số liệu của NHCSXH huyện Quảng Trạch, đến nay dư nợ cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được giải ngân trên 18 tỷ đồng, với 279 hộ vay vốn. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được 172 người lao động với số tiền 13 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội với số tiền trên 2 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện học trực tuyến với số tiền 1.000 triệu đồng và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền 80 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Trạch cho biết: Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, với tinh thần khẩn trương quyết liệt, ngay những tháng đầu năm NHCSXH đã tham mưu giúp UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, phòng ban liên quan và UBND các xã phối hợp thực hiện cùng với các tổ chức Chính trị, xã hội nhận ủy thác tích cực rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vốn, giải ngân nhanh chóng, kịp thời khi được giao vốn; đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời tiếp tục tăng cường rà soát, khuyến khích và hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều hơn nữa các mô hình sản xuất, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân địa phương trong phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đọc thêm