Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng con người”. Hiểu một cách đơn giản “Dân vận khéo” là làm cho người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, thấy được lợi ích hài hòa, triển khai những việc làm thiết thực gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Trong mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều phải có phương thức áp dụng khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng phải đạt được hiệu quả.
|
Tác giả Nguyễn Thị Thu Thuỷ từng có 18 năm công tác tại Chi cục THADS huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (ảnh: NVCC). |
Đối với công tác THADS, công tác dân vận khéo là làm sao thuyết phục, vận động không những người phải thi hành án tự nguyện thi hành mà vận động cả người được thi hành án đồng thuận với những thỏa thuận không trái quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, tránh để phải áp dụng các biện pháp bảo đảm hay cưỡng chế, giảm thiểu việc thực hiện các quy trình. Khi mà người dân đã tự nguyện thi hành, cũng sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Trên hành trình 22 năm công tác của tôi, có 18 năm công tác tại Chi cục THADS huyện Bát Xát. Trong số hàng ngàn vụ việc THADS tôi và đồng nghiệp đã vận động thuyết phục tự nguyện thi hành án thành công, có một vụ án được giải quyết ổn thoả, dứt điểm ngay trước Tết khiến tôi còn nhớ đến giờ.
Theo Quyết định của bản án, gia đình anh Chảo phải trả lại số tiền 450 triệu đồng cho nhà chị Dìn do bị Toà án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu. Vợ chồng anh Chảo bán đất cho hàng xóm để lấy tiền chữa bệnh cho chồng, tiền đã tiêu hết nhưng bệnh tình anh cũng không khỏi. Giờ Toà án tuyên giao dịch vô hiệu, bên kia trả đất đòi tiền nhưng nhà họ biết lấy gì để trả?
Khi đến để xác minh, trước mắt tôi ngôi nhà 03 gian vách nứa nằm chênh vênh trên sườn đồi. Nơi góc bếp, người vợ lam lũ đang lụi cụi đun thuốc cho chồng bị bệnh nan y giai đoạn cuối.
Buổi làm việc đầu tiên tôi chỉ kịp giới thiệu và thông báo cho gia đình biết việc phải thi hành án, mà không nỡ nói sâu thêm, sợ làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chồng đang mang trong mình căn bệnh nan y. Những lần sau đến làm việc, tôi gọi riêng chị Chảo ra một góc để trao đổi.
Hôm đó, tôi dành cả một buổi để nghe chị giãi bày về điều kiện, hoàn cảnh của gia đình ở thời điểm hiện tại, lý do vì sao gia đình chị bán đất giờ họ lại không lấy đất quay ra đòi tiền, số tiền bán đất chị đã trang trải phần lớn vào việc điều trị bệnh ung thư cho chồng nhưng rồi cũng không đạt kết quả như mong đợi.
|
Tự hào khi được mang màu áo Chấp hành viên THADS. (ảnh: NVCC). |
Qua xác minh, tôi biết chị còn một khoản tiền tiết kiệm 300 triệu đồng đang gửi ở Ngân hàng. Dù chưa đủ với số tiền phải thi hành án, tôi ban hành quyết định phong tỏa tài khoản, nhưng chưa vội ra quyết định cưỡng chế vì muốn động viên chị Chảo tự nguyện đi rút tiền về để nộp.
Ngoài số tiền tiết kiệm gửi tại Ngân hàng thì gia đình chị có mảnh đất đủ điều kiện để kê biên nhưng nghĩ giờ chồng chị đang ốm nặng, ra một quyết định cưỡng chế thời điểm này thì không nỡ.
Ban đầu chị khóc lóc, bảo nhà không có đồng nào để nộp đâu, giờ cán bộ mà cưỡng chế đất khác nào đẩy chồng ta đến gần hơn cửa tử, đẩy cả gia đình ta vào cảnh màn trời chiếu đất? Dù có chết nhà ta cũng không đi đâu! Chị nói cương quyết, thái độ bất cần. Lúc đó tôi cảm nhận được nỗi đau, sự bất lực của người vợ biết căn bệnh hiểm nghèo sắp cướp đi người chồng mà không cách gì cứu được, cộng thêm nỗi vất vả khổ cực vì gánh nặng kinh tế mấy trăm triệu nợ nần làm cho chị cùng quẫn vì cảm thấy đã đi vào con đường cùng…
Hình ảnh chị Chảo ám ảnh tôi, khiến tôi day dứt giữa lý và tình; thương xót chị nhưng công việc thì cần phải hoàn thành. Đêm về tôi trằn trọc suy nghĩ tìm cách nào đây để chị tự nguyện đi rút tiền về nộp và khoản còn lại phải thi hành bằng cách nào? Tôi quyết định mỗi ngày đi làm về đều ghé qua nhà chị một lúc (nhà chị nằm trên con đường hàng ngày tôi đi làm qua), mất khoảng gần 1 tuần chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh, khi thì hướng dẫn chị cách nấu cháo cho người ung thư giai đoạn cuối (trước đây tôi đã từng chăm người thân nên có kinh nghiệm), quà tôi thăm anh dù chỉ là vài hộp sữa tươi, chút hoa quả nhưng sự quan tâm chia sẻ giúp chị vợi bớt bao nỗi niềm. Sự chân thành của tôi dường như đã khiến chị cảm động, chị hiểu công việc của tôi phải làm, chị bắt đầu cởi mở trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn.
Đến một ngày chị chủ động gọi tôi ra nhà bảo chở chị lên Ngân hàng rút tiền tiết kiệm để thi hành án; số còn lại chị sẽ cố gắng vay mượn để thanh toán nốt, trước mắt nhờ tôi trao đổi với vợ chồng chị Dìn để cho chị được trả dần hàng tháng. Chị bảo, có nợ thì trước sau gì cũng phải trả, trả sớm còn đỡ bị phạt lãi, không chịu trả để nhà nước cưỡng chế còn khổ hơn!
|
Chấp hành viên Nguyễn Thị Thu Thuỷ và đồng nghiệp thao tác nghiệp vụ tại một cuộc cưỡng chế thi hành án dân sự (ảnh: NVCC) |
Ra ngân hàng, chị làm thủ tục chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm vào tài khoản của cơ quan THADS. Nhưng làm sao tôi dám thu hết trong khi cái Tết đang đến gần, trong khi nhà chị chưa mua sắm thứ gì? Vậy nên tôi đề nghị chị giữ lại số tiền lãi để còn trang trải chi tiêu gia đình. Tôi ân cần dặn chị lo thuốc thang, ăn uống đầy đủ cho chồng, và phải giữ gìn sức khoẻ cho mình vì giờ chị là chỗ dựa của cả gia đình.
Sau đó, tôi thân chinh gặp gia đình chị Dìn để trao đổi, thuyết phục bằng mọi lý lẽ, mong họ tạo điều kiện cho gia đình chị Chảo. Sau một hồi thuyết phục, họ cũng rất chia sẻ, thông cảm với hoàn cảnh của vợ chồng anh Chảo, nhất trí và tự nguyện làm đơn đề nghị cơ quan thi hành không tiếp tục giải quyết số tiền còn lại. Vậy là một vụ án phức tạp tưởng chừng phải cưỡng chế, khó thi hành lại có thể khép lại nhanh chóng, giải quyết dứt điểm, có lý có tình. Chìa khoá thành công chính là nhờ dân vận khéo.
Cũng nhờ công tác dân vận tốt mà trong suốt 22 năm công tác đã qua, trong đó có 14 năm giữ chức danh Chấp hành viên, tôi luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, gặt hát được những quả ngọt, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào thành tích chung của ngành THADS tỉnh Lào Cai.
Nguyễn Thị Thu Thủy
Phòng nghiệp vụ, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai