99 tuổi ly hôn vì bị vợ… đánh triền miên
Ama Kông là vị “Vua Voi” cuối cùng của Tây Nguyên. Cụ có tên là Y Prông Êban, cháu của Y Thu Knul (Khun Sunốp) - “Vua Voi” nổi tiếng nhất và là người đã phát triển nghề bắt, thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn. Tương truyền, A Ma Kông đã bắt được 298 con voi, trong đó có 2 con bạch tượng (voi trắng).
Nghề săn bắt voi ở Buôn Đôn chẳng biết đã có từ bao giờ, khi những nhóm người Lào di cư sang bám vào ven dòng Sêrêpôk và chọn nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng làm kế sinh nhai. Thời huy hoàng nơi đây có hàng trăm thớt voi, nhiều khi tổ chức vài, ba đội săn, những nhà giàu có hàng chục thớt voi, hàng trăm bộ cồng chiêng...
Trong lịch sử săn bắt và thuần dưỡng voi ở Buôn Đôn có 3 con bạch tượng đã trở thành huyền thoại. Con bạch tượng thứ nhất, người Buôn Đôn thuần dưỡng và tặng Vua Xiêm. Con thứ 2, dâng biếu Vua Bảo Đại. Con voi trắng thứ 3, thuộc quyền sở hữu Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Nổi tiếng trong các cuộc săn voi và thuần hoá voi rừng mà lần lượt bốn người con gái đẹp nhất buôn của các thời đã làm vợ Ama Kông. Theo phong tục truyền thống của người Mnông- Lào, chỉ khi vợ chết thì người đàn ông mới được lấy vợ khác. Còn không, muốn lấy vợ thì người đàn ông phải bỏ lại tất cả tài sản để vợ nuôi các con. Điều đó đồng nghĩa với ông đã phải hơn một lần ra đi tay trắng và cùng vợ mới làm lại từ đầu.
Vì tình yêu với cô gái đẹp, Ama Kông đã chấp nhận những quy định hà khắc để đi theo tiếng gọi của trái tim. Người vợ thứ tư của Ama Kông là một câu chuyện tình dữ dội mà buồn.
Bốn người vợ của Ama Kông đều là những người đẹp của buôn làng. Sự hào hoa của Ama Kông khởi nguồn từ tiếng tăm về sức khỏe, sự dũng mãnh quật ngã voi rừng. Chẳng thế mà, ông đã rước cả hai chị em H’Nu và H’Hốt, con của vị tù trưởng giàu có, tài giỏi về làm vợ.
Vợ đầu của ông là H’Nu đẹp có tiếng khắp các buôn làng Tây Nguyên. H’Nu chẳng may qua đời khi sinh đứa con thứ hai. Theo tục lệ nối dây, cô em gái H’Hốt (kém Ama Kông 15 tuổi) phải thay chị chăm sóc anh rể và các cháu. H’Hốt đã sinh cho Ama Kông 11 người con. Vợ đẹp, con đầy đàn, những tưởng Ama Kông chỉ nghĩ đến săn voi đưa tiền về nuôi vợ con. Nhưng chính sự dũng mãnh của ông đã làm mê đắm bao bông hoa đẹp của núi rừng. Ông được các người đẹp yêu, ngưỡng mộ tài năng nên vẫn “qua lại” với nhiều sơn nữ.
Khi H’Hốt đang chuẩn bị sinh cho Ama Kông đứa con thứ 11 thì Ama Kông lại dẫn một người đàn bà tên là H’Biai cùng 1 bé gái 6 tuổi về nhà xin H’Hốt cho ông được cưới làm vợ lẽ. H’Hốt phẫn uất đòi ăn lá ngón tự tử. Sự việc phải nhờ đến già làng phân giải. Ama Kông “thoát án” phạt nặng nhờ uy “dũng sĩ săn voi đệ nhất” của mình. Sau đó, Ama Kông ra đi với hai bàn tay trắng, sang ở hẳn với H’Biai và họ có với nhau thêm 2 đứa con gái nữa.
Khi Ama Kông toàn tâm lo cho gia đình thì H’Biai lại nghiện rượu. Ông khuyên can vợ nhiều lần không được, bực quá bỏ đi săn voi triền miên. H’Biai càng chán khi chồng không về, bà vùi đời cùng những ché rượu, rồi vài năm sau chết vì bị trúng gió trong một cơn say bí tỉ. Sau đó, ông lấy làm ân hận và định bụng ở vậy, không đi bước nữa.
Rồi một lần tình cờ, trong một chuyến đi chơi, ông gặp H’Khăm, 25 tuổi. Ông già đã yêu mê mệt cô gái trẻ, mặc dù biết cô đã có một đứa con gái với một gã Sở Khanh. Rồi đám cưới của ông già 80 với cô gái 25 tuổi cũng diễn ra rình rang, trở thành sự kỳ thú nhất với người Buôn Đôn từ trước đến nay.
Nhìn những bộ dây thừng, da trâu rừng, da bò tót rừng hàng trăm năm trong ngôi nhà sàn cổ và ông vua lẫy lừng một thời của núi rừng Tây Nguyên dưới những tia nắng hoàng hôn, tôi như thấy một thời vàng son với những thớt voi rùng rùng chuyển động. Rồi nữa, ngay cả Vua Ama Kông ở những năm cuối đời cũng bị mang ra làm... du lịch.
Dù cho người đàn ông ấy, dường như đã đi qua những hư danh từ lâu lắm rồi, ông chẳng bận tâm tới việc người ta làm du lịch ngôi nhà của ông với mức giá bao nhiêu, thu nhập nghề bốc thuốc ông truyền lại cho con cháu thế nào... Duy chỉ có tiếng thở dài về chuyện đàn voi tựa như tiếng thở dài từ thẳm sâu từ đại ngàn, như khi ta chạm vào một nỗi đau là có thật!
Có một chuyện từ đáy lòng, mà trong phút xúc động, ông mới thổ lộ, rằng người vợ thứ tư của ông thường ham chơi vô độ, nhậu nhẹt say xỉn về “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” (theo đúng chế độ mẫu hệ) với ông vua không ngai suốt những năm chung sống, khi ông đã ở tuổi 90. Và một ngày, mặc cho “Vua Voi” ra sức chiều chuộng và nín nhịn, người vợ trẻ đã nhất quyết đòi… ly dị. Năm đó, ông sắp bước sang tuổi 100!
Khi “giọt nước làm tràn ly”, người vợ ấy, trong cơn say đã dùng dao, chặt ngón tay… chồng. Hỏi ông, vợ hành hung vậy mà không bị phạt gì sao? Người cháu của ông cho biết, theo tập tục của buôn làng, chỉ người chồng đánh vợ bị phạt, chứ người vợ mặc nhiên được… đánh chồng. Dù vậy, kể với chúng tôi về người vợ này, xem ra ông vẫn còn đầy lãng tử và đa tình, xen lẫn nỗi hãi hùng…
”Vua Voi” Ama Kông và người vợ thứ hai |
Và mùa sơn nữ trao vòng tay cầu hôn
Có thể nói, cho tới ngày nay, chế độ mẫu hệ vẫn biểu hiện rõ nhất ở các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên Việt Nam cụ thể là người Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Chăm... thông qua các Lễ hỏi chồng (Trok kô - ông), Lễ thỏa thuận (Bi kuotd), Lễ cưới (Kbih cung mô)... Khác với con trai sẽ đi lấy vợ của người Việt, những tộc người có chế độ mẫu hệ sẽ đi lấy chồng. Người con trai sẽ ở rể bên nhà gái. Thừa kế tài sản thuộc về nữ, bên nhà gái cưới chồng cho con, con sinh ra mang họ mẹ.
Với người Ê-đê, chế độ mẫu hệ được in đậm dấu ấn ở kiến trúc và trang trí nghệ thuật trên ngôi nhà dài. Chị H’Kêt Niê tại buôn Krông B, xã Ea Tur, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Nhà dài người Ê-đê có 2 cầu thang, đó là cầu thang đực và cầu thang cái. Cầu thang cái dành cho khách và đàn ông, con trai. Cầu thang đực dành cho đàn bà, con gái trong nhà. Người phụ nữ Ê-đê không chỉ là chủ gia đình, mà còn là chủ làng, người Ê-đê gọi là “pô lăn”. Pô lăn là người đại diện cho việc quản lý đất đai của dòng họ, buôn làng, là người đứng ra giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ buôn làng và với các buôn làng khác.
Cầu thang có ý nghĩa rất quan trọng và linh thiêng đối với đồng bào dân tộc Ê-đê, bởi đó là nơi đầu tiên mà người khách muốn vào trong nhà phải bước qua. Hình đôi bầu vú người phụ nữ trên chiếc cầu thang là vật đầu tiên khẳng định chủ quyền thượng tôn trong ngôi nhà là người phụ nữ. Tuy nhiên, về người đàn ông lại là người đại diện cho gia đình và dòng họ mẹ mình trong đối ngoại và xử lý công việc khi có việc xảy ra trong dòng họ mẹ.
Việc thể hiện các nét họa tiết, chạm khắc trên chiếc cầu thang ấy là việc nhắc nhở mọi người phải nhớ đến công lao của những người phụ nữ đã, đang và sẽ là trụ cột trong nhà. Tuy nhiên, không phải gia đình người Ê-đê nào cũng có điều kiện làm được chiếc cầu thang ấy mà hầu như những gia đình có điều kiện khá giả mới làm được, bởi đây là chiếc cầu thang tốn nhiều tiền bạc, công sức từ khâu chọn gỗ đến thuê nghệ nhân điêu khắc tỉ mỉ. Đặc biệt là trước khi chọn gỗ và trước khi đưa chiếc thang này vào sử dụng phải làm lễ cúng Giàng, bởi họ quan niệm mọi thứ đều có linh hồn và được Giàng che chở. Do vậy, trước khi làm việc gì cũng đều phải cúng xin phép các đấng bề trên.
Tương tự người Ê-đê, người dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Tây Nguyên sống theo chế độ mẫu hệ, vì vậy khi một thiếu nữ đến tuổi lấy chồng, không giống như các dân tộc khác, họ phải mang lễ vật đi hỏi chồng với chi phí khá tốn kém. Nhưng những thiếu nữ không đủ tiền để cưới chồng chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật sang nhà trai.
Hiện nay, những tục lệ truyền thống tốt đẹp vẫn được gìn giữ và tái hiện ở một số buôn, làng văn hóa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của khách du lịch. Già làng Bon Tô Sa Nga buôn làng Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho hay: Người Cơ Ho mình theo chế độ mẫu hệ, sơn nữ “bắt chồng”, đàn ông thường sống bên nhà vợ. Tự do về hôn nhân, cho nên khi cô gái thích chàng trai nào đó thì chủ động nói với cha mẹ nhờ người mai mối có tài ăn nói, cùng với ông cậu đến nhà chàng trai ngỏ ý. Có khi phải nhiều lần thuyết phục mới được…
Theo già làng Sa Nga, lễ hỏi diễn ra ở nhà trai và thường tổ chức vào chiều tối, ban đêm, vì nhà gái muốn tránh tiếng, nếu chẳng may việc “bắt chồng” không thành. Sau khi cuộc “đối đáp”, “thương lượng” hoàn thành, “chiêng ché đã trao”, hai bên đã nhất trí cho đôi trẻ đến với nhau, lễ cưới được định ngày. Điều cốt lõi trong chuyện đi tìm “vòng tay cầu hôn” vẫn là tự do yêu đương, lễ dạm hỏi, lễ cưới và chàng trai về sống bên nhà vợ. Trường hợp đặc biệt, cô dâu vẫn có thể cư trú bên nhà chồng. Nhưng con cái vẫn mang họ mẹ…
Bởi thế, mỗi mùa xuân về, thường từ tháng 1 đến hết tháng 3, ấy là mùa các sơn nữ trong sự ảo diệu của núi rừng Tây Nguyên sẽ réo rắt điệu sáo: gọi anh vẫn thiết tha, mời gọi trong mùa đi tìm vòng tay cầu hôn…